Thứ Ba, 12/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/04/2019 14:32 4792
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
Có một tập quán mai táng của người Đông Sơn cổ ít ai lưu ý. Những đồ tùy táng của họ được người hôm nay khai quật, dù là vô tình hay hữu ý đều đem “sửa chữa” cho nguyên lành, mong sao cho đỡ nhức nhối, đỡ gai mắt, nhưng đã mất đi một “thông điệp” của người xưa gửi lại cho chúng ta hôm nay.

Đó là những đồ đồng, đồ gốm túy táng, phần lớn đều bị đập vỡ, cố ý làm cho méo mó hoặc làm cho hư hại trước khi được chôn vào mộ. Đây là một hiện tượng tín ngưỡng sùng bái tự nhiên với quan niệm, mọi vật trong vũ trụ đều có linh hồn, đều có đời sống riêng. Nó chẳng khác biết bao sinh linh, trong đó có cả con người. Điều này đã đưa đến những phong tục, tập quán riêng cho mỗi cộng đồng. Bằng cách làm tổn hại, làm thương tổn (hoặc làm “đau”) một vật, người ta đã có thể giết nó và như thế đã giải thoát linh hồn cho nó trước khi sang thế giới bên kia. 

Vết cắt sắc lẹm trên một “thố đồng”

Tập tục mai táng này của người thời Văn hóa Đông Sơn đã được hậu duệ trực tiếp của họ - người Mường cổ tiếp thu một cách trọn vẹn. Trong hầu hết các đồ tùy táng bằng gốm sứ ở những ngôi mộ Mường, đặc biệt là những ngôi mộ có niên đại thời Lý, Trần, đầu Lê, chúng tôi đều thấy có hiện tượng làm thương tổn đến đồ tùy táng. Chúng thường bị đập vỡ hoặc bị làm hư hại một phần, với mong muốn cắt lìa linh hồn ra khỏi đồ vật ấy. Quan sát nhiều rìa miệng hoặc chân đế các đồ đựng bằng sành sứ chôn theo người chết, tôi thấy có những mảnh vỡ hoàn toàn do con người tạo ra, với những nhát cắt vô cùng sắc gọn, tưởng như những vết kìm bấm tạo thành. So sánh với những mảnh vỡ tự nhiên, hai cách vỡ hoàn toàn khác nhau. Điều ấy đã làm tôi vô cùng ngạc nhiêu và liên tưởng tới những chậu đồng, thố đồng, trống đồng… trong các ngôi mộ Đông Sơn bị bẹp dúm, sứt bể, gãy đứt, mà ở hầu hết các bảo tàng, các sưu tập tư nhân đều đã đem tu sửa lại, miễn sao cho đúng với hình dáng nguyên khởi. Việc làm này cũng tương tự với hầu hết đồ tùy táng trong hầu hết các ngôi mộ Mường cổ. Trước khi tu sửa, nếu được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, hẳn sẽ không mắc sai lầm!

Sở dĩ, những đồ tùy táng trong những ngôi mộ cổ Mường có niên đại Lý, Trần và đầu Lê thường thấy hiện tượng đập vỡ có chủ ý, mà các ngôi mộ có niên đại muộn hơn không thấy, cũng chính bởi tập tục này đã dần dần nhạt phai trong tâm thức người Mường, khi mà xã hội Mường đã có những giao tiếp và chịu nhiều ảnh hưởng của các tộc anh em sống kề cận.

Cắt lìa linh hồn ra khỏi vật thể bằng cách làm nêu trên, không phải là một hiện tượng biệt lệ của cư dân Đông Sơn. Đó là một tín ngưỡng phổ biến của các dân tộc miền núi Đông Dương và xa hơn nữa.

TS. Phạm Quốc Quân
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4412

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Sưu tập đồ gốm men rạn Bát Tràng có minh văn

Sưu tập đồ gốm men rạn Bát Tràng có minh văn

  • 22/04/2019 14:47
  • 8800

Trong bài trước đây chúng tôi đã giới thiệu về Gia đình tượng nhân Đỗ Phủ lưu danh trên gốm Bát Tràng. Với cặp chân đèn gốm men rạn có minh văn cho biết rõ do Đỗ Phủ xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An tạo tác vào niên hiệu Hoằng Định (1600-1618), được xem như là mốc khởi đầu của dòng gốm men rạn ở Bát Tràng (Nguyễn Đình Chiến, 2018:73-75). Đáng chú ý là, hiện nay Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLSQG) và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn lưu trữ bộ sưu tập những đồ gốm men rạn có khắc hay viết minh văn, được tạo tác trong các niên hiệu Cảnh Trị (1663-1671), Vĩnh Thịnh (1705-1719), Vĩnh Hựu (1735-1740), Cảnh Hưng (1740-1786) và Gia Long (1802-1819). Lớp men rạn phủ ngoài thường có màu vàng xám, vàng ngà, trắng xám hay ngà xám. Các đồ gốm này đều có xương gốm xốp màu xám đen. Từ niên hiệu Quang Trung (1788-1792) đến niên hiệu Gia Long còn thấy những đồ gốm Bát Tràng kết hợp men rạn với trang trí vẽ lam . Bài viết này chúng tôi giới thiệu về sưu tập đồ gốm men rạn có niên đại tạo tác, cũng là những mẫu chuẩn để làm cơ sở tham khảo xác định cho nhiều đồ gốm Bát Tràng thời Lê- Nguyễn khác không có minh văn. Dưới đây là các loại hình đồ gốm men rạn có minh văn trong sưu tập của BTLSQG.