Thứ Sáu, 01/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

22/02/2024 11:10 820
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tiếp theo chủ đề về tượng thú trên cán dao găm Đông Sơn, tôi muốn đề cập đến khối tư liệu phong phú hơn. Đó là tượng người. Thợ cả đúc đồng Đông Sơn nhận được những đơn đặt hàng độc lạ và cao cấp hơn, khiến chúng ta ngày nay sẽ còn phải tranh luận luận (hoặc chờ thêm phát hiện) mới dễ dàng ngã ngũ về nội dung của chúng.

1. Trên một cán dao găm Đông Sơn trong sưu tập khoảng hai chục dao găm Đông Sơn thuộc một bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn hiện nằm ở Santa Ana (California, Mỹ) - nơi mà tôi và ba nhân viên của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã dành tổng cộng đến 4 tháng trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2016 để nghiên cứu - đáng phải nói đến một cán dao găm tượng đôi, thể hiện người mẹ đang cạo đầu cho đứa con trai chừng 13-14 tuổi.

Đây là phong cách tượng cán dao găm chưa từng thấy. Vì vậy, tôi đã dành cả tuần lễ đề mổ xẻ, nghiên cứu con dao găm này - trước hết là khảo sát patine (lớp gỉ phủ bên ngoài), phong cách kỹ thuật đặc trưng và nội dung nghệ nhân thể hiện. Theo lời chủ nhân, dao găm này có gốc gác từ đồ vớt sông ở miền Bắc Việt Nam. Lớp patine màu xanh đậm ngả xám chì loang lổ xanh lá cây được mài bóng do mòn nước lâu năm.
 
Bản vẽ trực tiếp từ tác giả để mô tả chi tiết khối tượng cán dao găm độc đáo này
Tôi đã từng gặp một dao găm có lớp patine tương tự với hình nam thần hai đầu thân xoắn vào nhau ở một sưu tập tư nhân Hà Nội. Trong sưu tập của nhà hàng Trống Đông Sơn Hà Nội cũng có những loại cán đôi ôm eo, dâng rượu, công kênh nhau, thổi kèn lá... mà thoạt đầu tôi không dám tin cho đến khi phát hiện trên đó những đồ dùng rất chuyên biệt và điển hình cho văn hóa tâm linh Đông Sơn, như câu chuyện chiếc nhĩ bôi (cốc hai tai) cán dài của thầy cúng mà tôi đã nhắc đến ở loạt bài đầu tiên trong series Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất. Tôi đã không tìm được bất kỳ chứng cứ nào để ủng hộ mối nghi ngại của mình. Và điều đã giúp tôi đi đến quyết định xác nhận tính "không thể làm giả" của con dao chính là chiếc vòng đeo cổ kỳ lạ của người mẹ trên khối tượng cán dao găm này.
2. Xin dành vài lời mô tả sơ bộ hình khối tượng cán dao găm. Cũng như mọi dao găm Đông Sơn có cán tượng người khác, phần lưỡi dài khoảng 20cm thuộc kiểu lưỡi dao găm lá tre, mặt cắt ngang lưỡi hình thấu kính dẹt, không có gân sống ở giữa. Chắn tay còn lại dấu vết cong quặp của phần doi nhọn cuộn sừng trâu.
 
Tượng cán dao găm hai "mẹ con" (hình trái) và toàn cảnh con dao găm (hình phải) thuộc sưu tập CQK (California, Mỹ)
Tay cầm là một khối tượng đôi cao 15cm, dễ nhận ra là một tượng nữ nhờ kiểu tóc có đai bồng và nhất là kiểu váy hoa có búi thõng thắt lưng đến tận mắt cá chân. Phía trước tượng phụ nữ là tượng một bé nam cởi trần, đóng khố ngắn, hở truồng phía trước với dương vật vắt lên như hình nổi một hoa "nhép" trong quân bài tú lơ khơ, phần vạt khố phía sau hất ngược lên sau khoeo gối. Bé nam đứng chỉ cao đến ngực người mẹ. Người mẹ dùng tay trái giữ đầu, tay phải cầm một dụng cụ trông giống lưỡi dao cắt dạng liềm Gò Mun hay lưỡi qua cạo tóc ở phần trán đứa trẻ. Cậu bé tai đeo vòng gối quạ, hai tay níu lấy hai tay của mẹ.
Tôi phải rất mất công chụp ảnh và vẽ lại chi tiết sự thể hiện rất tinh tế của người thợ cả Đông Sơn trong trường hợp này. Người phụ nữ bị che khuất phía trước bởi khối tượng đứa trẻ trai, nhưng phần sau lưng thể hiện khá rõ. Vành đai đầu có hai núm tròn ở phía sau gáy, từ đó thả xuống hai bím tóc hay hai dải nơ trang trí. Phần eo có đến 4 tầng thắt lưng chồng lên nhau đến tận ngực. Vòng thắt lưng dưới cùng nở nhất ở phần hông, thả xuống một búi thắt lưng có quả trùy nặng phía dưới gần mắt cá.
 
Phần cổ người mẹ có hai vòng tai hai bên ở ở khoảng yết hầu có hai hình cong đó là phần sừng trong chiếc vòng đeo cổ. Phía trước là đầu của đứa bé
Các vạch hoa văn trên váy còn khá sắc nét. Như mọi tượng nữ khác, hai bên tai chỉ có một vòng tai đơn giản, nhưng riêng ở trường hợp người mẹ quyền năng này, lại đeo một chiếc vòng rất độc đáo ở cổ.
Tôi sẽ dành nhiều lời một chút nói về chiếc vòng này. Bởi, chính sự rất hiếm gặp của nó đã khiến tôi hoàn toàn loại trừ khả năng mình đã bị những người thợ đời nay làm giả và qua mặt.
3. Trong cuốn catalogue của Gallery Hioco (Paris, Pháp) từng giới thiệu một chiếc vòng lạ. Đó là một đoạn vòng bằng đồng có mặt cắt tròn, ở hai đầu hở tạo hình đầu trâu với cặp sừng rất dài. Người đeo chiếc vòng này phải xoay để hai cặp sừng đó quay ra bên ngoài, khiến cặp sừng làm thành hai hình chữ C song song nhau.
Năm 2012, tôi có dịp sang Paris chỉnh lý sưu tập có chiếc vòng đó. Cho đến hiện nay, loại vòng này đã phát hiện được 4 chiếc, chiếc đẹp nhất thuộc sưu tập của bảo tàng Barbier - Mueller (Geneva, Thụy Sĩ) mà tôi xin chụp lại ở đây. Tuy nhiên, chiếc duy nhất phát hiện được trong khi khai quật khảo cổ học là chiếc vòng phát hiện ở Prohea (Campuchia).
 
Những chiếc vòng Đông Sơn với hai đầu sừng trâu tuyệt diệu (trên cùng bên trái khai quật ở Prohea, Campuchia, chiếc bên phải phát hiện ở Làng Vạc, Nghệ An, Việt Nam, bên dưới thuộc sưu tập Bảo tàng Barbier- Mueller
Cuộc khai quật Prohea do tiến sĩ khảo cổ học người Đức Andreas Reinecke tiến hành. Anh đã từng khai quật nhiều địa điểm ở Việt Nam như Cồn Nền, Đình Tràng, Gò Mả Vôi, Lai Nghi, Gò Ô Chùa trước khi sang Campuchia khai quật. Tại Prohea, anh cũng đã phát hiện một ngôi mộ còn nguyên phần sọ bên trong một chiếc trống đồng Đông Sơn (hiện đang trưng bày tại Bảo tàng lịch sử quốc gia Phnom Penh (Campuchia). Năm 2008, tôi có dịp sang thăm cuộc khai quật này và được xem chiếc vòng đồng độc đáo kể trên. Vợ Andreas đã vinh hạnh đeo chiếc vòng được chồng tìm thấy tại Prohea để chụp ảnh công bố trên truyền thông quốc tế, như cách nhà khảo cổ học Đức huyền thoại Schlieman ở thế kỷ 19 đã để vợ đeo bộ trang sức vàng lộng lẫy mà ông phát hiện được khi khai quật thành Troy nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp.
Sự hiện tồn của loại vòng Đông Sơn quý phái này là có thật. Một vài chiếc lưu hành vãng lai được những người buôn bán đồ cổ xác nhận là đào được ở khu mộ Đông Sơn Làng Vạc (Nghệ An, Việt Nam). Không mấy nhà khảo cổ học Việt Nam và thế giới biết đến sự tồn tại và gốc gác loại vòng này. Tôi có may mắn được chứng kiến nó trong khai quật khảo cổ học và trong các sưu tập tư nhân ở Việt Nam và châu Âu. Chính sự kín đáo, hiếm hoi đó khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy chiếc vòng đeo trên cổ người phụ nữ cán tượng Đông Sơn kia lại chính là một chiếc vòng cùng loại. Chỉ có chút khác biệt là nửa nhọn hai sừng phía đâm vào dưới hàm người đeo không dài như đồ đeo ở tay.
Chắc chắn đó là kiến tạo của một thợ cả Đông Sơn mà thôi.
"Sự hiện tồn của loại vòng Đông Sơn quý phái này là có thật. Một vài chiếc lưu hành vãng lai được những người buôn bán đồ cổ xác nhận là đào được ở khu mộ Đông Sơn Làng Vạc" - TS Nguyễn Việt. (Còn tiếp)

TS NGUYỄN VIỆT

https://thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4380

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 10): Giải phẫu một cán dao Đông Sơn có hình 'lạ'

Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 10): Giải phẫu một cán dao Đông Sơn có hình 'lạ'

  • 05/02/2024 10:24
  • 790

Năm 2008, nhân tham dự Hội nghị Khảo cổ học Thế giới (World Archaeology Congress - WAC) lần thứ 6 họp tại Dublin (Ireland), tôi được Gallery Hioco mời dừng chân một tuần ở Paris giúp giám định một sưu tập Đông Sơn rất lớn vừa nhận chuyển giao từ Gallery Phạm ở Paris và Geneva.