Thứ Năm, 05/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

28/05/2024 14:49 867
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Có một cách nghĩ ấu trĩ, phiến diện và rất sai lầm về thời Đông Sơn, rằng cư dân Đông Sơn còn "ăn lông, ở lỗ" hoặc đến cả vua cũng "cởi trần mà cũng xưng vương". Chương trình đi sâu vào nghiên cứu vải sợi, trang phục Đông Sơn hé mở một sự thực hoàn toàn khác.

Sẽ chẳng bao lâu nữa, toàn bộ kết quả nghiên cứu này sẽ được trình bày trong một bảo tàng vải sợi cổ truyền Việt Nam và một cuốn sách chuyên khảo về khảo cổ học vải sợi Đông Sơn. Và như đã hứa hẹn từ tuần trước, kỳ "rì rầm trong tiếng đất" hôm nay sẽ hé mở một số bằng chứng liên quan đến kỹ thuật dệt từ sợi vỏ cây lanh, gai, lụa thành các tấm vải và từ các tấm vải đó cắt khâu chế thành quần áo, khăn, đai.

Trước tiên, tôi muốn đề cập tới các kiểu dệt Đông Sơn đã quan sát được từ hàng ngàn miếng vải thu được từ các mộ Châu Can (2000), Động Xá (2001 và 2004), Yên Bắc (2004) và hàng trăm vết in vải trên các lớp gỉ đồ đồng, sắt và dùng lót chống dính trên gốm đương thời.
 
Một đoạn đồ đeo bằng sợi loài dừa, cọ đan rất tinh tế đào được trong mộ thân cây khoét rỗng Đông Sơn ở Phương Nam (Uông Bí, Quảng Ninh)
Từ đan lát…
Trong bài trước, tôi đã nói về kỹ thuật dệt "lóng mốt" (plain) phổ biến để tạo vải Đông Sơn. Đây là kỹ thuật dệt nguyên thủy và đơn giản nhất bắt nguồn từ tư duy đan lát mây tre, lá bện hay sợi dây rừng... làm đồ đựng. Ở đây, kỹ thuật đan lát Đông Sơn đã đạt đến đỉnh cao nhất trong thời tiền sử. Bằng chứng để lại trên một túi đeo đan bằng sợi cọ, dừa rất phức tạp khai quật được trong mộ thân cây khoét rỗng ở xã Phương Nam, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh và trên rất nhiều đồ đồng tạo khuôn bằng cách chế ra mẫu khuôn từ những đồ đan bện vô cùng tinh vi, huyền diệu. Tôi sẽ có một phần viết riêng về các tuyệt phẩm đan lát Đông Sơn này.
 
Toàn cảnh một đồ đựng Điền, chế từ một trống đồng Đông Sơn Tây Âu, trên thân gắn chim bồ nông và phần nắp đậy thay mặt trống diễn tả quang cảnh một nữ chúa đến nhận đồ cũng hiến từ những người thợ dệt Tây Âu.
Vết đan "lóng một" và cả "lóng đôi" trên đất nước ta chắc chắn đã xuất hiện từ nền văn hóa Đồng Đậu 3500 - 3200 năm trước. Khi đó, người thợ gốm đan sẵn những tấm lót đáy chống dính để hong khô xương gốm trước khi nung. Các tấm lót đó có thể bằng tre nứa như cách làm rổ rá hiện nay hoặc làm từ cói vốn rất phổ biến đương thời. Ngay từ thời đó, kỹ thuật đan đơn "lóng mốt" và cả đan đúp "lóng đôi" theo kiểu ô vuông và cả ô chéo cũng đã rất phổ biến rồi.
"Việc thỉnh thoảng xuất hiện những đường diềm màu, cách luồn sợi khác thường là minh chứng cho sự manh nha nghề thêu trang trí trên trang phục Đông Sơn" - TS Nguyễn Việt.
… đến dệt vải
Bản chất dệt vải cũng là một sự phát triển từ kỹ thuật đan lát mà thôi. Khi đó, thay cho các sợi mây tre, cói... là những sợi vải tước từ thân một số loài cây có sợi, việc đặt trước các dọc sợi để sau đó cùng con suốt sợi chạy các đường ngang theo nguyên tắc một lên, một xuống sẽ tạo ra loại vải đơn giản phổ biến nhất.
Chính kiểu dệt "lóng mốt" này sẽ tạo ra nền vải đều đặn gồm những ô vuông tương đối giúp cho việc "đếm lỗ" lồng chỉ thêu sợi màu trở nên rất dễ dàng, tương tự cách thêu thổ cẩm Mông, Dao, Mường, Thái, Cơ Tu, Chăm, Ê Đê, Ba Na... hiện nay. Thống kê cho thấy 99% vải Đông Sơn được dệt bằng kỹ thuật "lóng mốt" như vậy.
 
Mảnh vải gai Đông Sơn khai quật ở Động Xá (Kim Động, Hưng Yên) năm 2001 sau khi đã ngâm tẩm và sấy đông khô (ảnh trái) và chi tiết dưới kính phóng đại (ảnh phải)
Kỹ thuật dệt sợi đúp cũng đã có trong sưu tập vải Đông Sơn của tôi: đúp hai sợi dọc (double warp), một sợi ngang (single weft) và cả đúp dọc lẫn ngang. Tức là, người thợ dệt dùng sợi đôi rời trong con suốt chạy qua khe hai sợi dọc đã được que dao nâng lên. Kiểu dệt này tạo miếng vải có độ dày, xốp hơn.
Dưới kính hiển vi thì các sợi dùng dệt vải Đông Sơn có độ xoắn không nhiều. Có vẻ, dọi xe sợi gốm thường thấy chỉ dùng để xe những loại sợi hay thừng buộc hơn là gắn với nghề dệt vải Đông Sơn. Những đoạn có độ xoắn nhiều thường là đoạn vê nối hai sợi vỏ cây với nhau.
 
Một băng vải lanh Đông Sơn khai quật ở Động Xá năm 2001 có bề ngang được diềm chặt hai bên mép chỉ rộng 5cm trong trạng thái đang gập đôi có thể là một phần băng đeo đầu hay dây buộc thắt lưng
Hiện tượng này hiện còn thấy ở cách chế sợi dệt vải của người Mông: Người phụ nữ sau khi tước tách sợi từ thân cây lanh (dài khoảng 80 - 120 cm), phơi khô sẽ phải nối chúng thành các cuộn dài hàng trăm mét. Hình ảnh phụ nữ Mông đi chợ mang theo các lọn sợi tay bết màu nhựa cây chính là công đoạn này đấy. Các cuộn sợi đó sẽ được "đánh" thành các "món" sợi bằng các xa quay rộng 3 - 4m, cuộn dài tùy theo yêu cầu của từng gia đình, tiện cho việc căng sợi khi đặt khung dệt lưng.
Bề mặt vải thô hay mịn tùy thuộc độ khéo tay và chủ đích sản phẩm dùng cho những việc gì mà người thợ tạo ra sợi đều, sạch và từ đó các ô vải khít đều nhau. Đa phần vải lanh dệt lóng mốt Đông Sơn có kích cỡ 5 - 6 sợi dọc và  4 - 5 sợi ngang. Trong khi vải gai có 6 - 7 sợi dọc và 4 - 5 sợi ngang, riêng lụa đạt từ 32/20 thậm chí 50/30 sợi. Khuôn vải phổ biến là rộng bằng vai người (40 - 60cm), tương ứng bề ngang của thanh đỡ lưng thợ dệt và vai áo thành viên gia đình. Tấm vải có thể dài tùy theo khả năng cuộn của nó, do sợi dọc có thể nối dài cả cây số, nhưng khổ ngang không thể rộng bao nhiêu cũng được. Bằng kỹ thuật dệt lưng thì chiều rộng tối đa chỉ đạt 80cm mà thôi. Hai bên rìa mép tấm vải được gấp kín bằng sợi thanh suốt chạy ngang. Đó là lý do tấm vải phải đo rộng vai người dùng để đặt sợi tương ứng và trong khi chế đồ tuyệt đối không cắt dọc tấm vải.
 
 Miếng vải lanh Đông Sơn khai quật ở Động Xá năm 2001 đã được xử lý (ảnh trái) và hình phóng đại cho thấy mặt sợi vải được chà với sáp ong tạo bề mặt phẳng dẹt (ảnh phải) tương tự cách người Mông hiện vẫn đang sử dụng
Để làm những băng dải như đai buộc trán hay thắt lưng, người Đông Sơn chế ra những băng vải hẹp. Miếng hẹp nhất phát hiện ở Động Xá có chiều rộng chỉ khoảng 6cm. Một số miếng vải lanh có vết chà sáp ong khiến bề mặt vải phẳng, bóng, chống thấm nước. Quan sát tài liệu dân tộc học thì vải sợi vỏ cây gai, lanh rất cứng, thô ráp. Người thợ xưa có cách làm mềm tấm vải bằng việc nấu với tro để làm bong tan các chất cứng nhựa cây.
 
Cảnh những người thợ dệt vải Tây Âu đang dệt vải bằng khung dệt lưng và bàn chà vải ở rìa mép trống, trong khi một số người ở giữa trống đang dâng vải, thịt cho một nữ chúa. Tượng đúc trên mặt một nắp đậy đồ đựng, cắt ra từ một trống đồng Đông Sơn. Hiện vật khai quật được ở Vân Nam (Trung Quốc).
Trong kỳ này, xin giới thiệu hình ảnh một số mảnh vải Đông Sơn dệt đơn và đúp cùng với hình tượng những người phụ nữ Đông Sơn thuộc nhóm Tây Âu đang dệt vải bằng khung dệt lưng trên mặt trống đồng Đông Sơn khai quật ở Vân Nam (Trung Quốc). Những dụng cụ dệt vải lưng này như cây suốt hai sừng, cây dao đỡ sợi... đã thấy trong mộ thân cây khoét rỗng thời Đông Sơn tại Việt Nam như ở Châu Can (Hà Nội), Yên Bắc (Hà Nam), Phú Chánh (Bình Dương)... (còn tiếp)

TS NGUYỄN VIỆT

https://thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4477

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 3): Từ chiếc trống đồng ở nghĩa địa cổ...

Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 3): Từ chiếc trống đồng ở nghĩa địa cổ...

  • 22/05/2024 15:03
  • 990

Để không biến chuyên mục này thành một diễn đàn quá chuyên sâu học thuật, tôi xin dùng một ví dụ cụ thể để giúp độc giả nắm bắt một phần quan trọng và hấp dẫn nhất của vải sợi Đông Sơn: dệt vải băng màu dọc (kẻ dọc).