Thứ Năm, 05/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/06/2024 22:24 1047
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Không ít nhà nghiên cứu có thể hình dung được rằng, trong khung cảnh văn hóa tiền sơ sử thời Đông Sơn 2.500 năm trước, tổ tiên ta đã từng chế tạo và sử dụng khá phổ biến chất liệu sợi tơ tằm và dệt nên những tấm lụa rất mịn mỏng dùng trong trang phục và tạo nền cho những sản phẩm sơn then cao cấp. Và buổi "rì rầm" hôm nay, tôi dành cho những bất ngờ ấy khi phát hiện nhiều bằng chứng khảo cổ cụ thể về tơ lụa Đông Sơn.

1. Thoạt đầu, vào những tháng năm chuyển giao từ thế kỷ 20 sang 21, tôi bắt gặp vết in một tập vải lụa trên một chiếc vòng đá nhờ gỉ sắt từ một dụng cụ thôi ra đã khiến chúng không bị tiêu hủy. Hiện vật thuộc Bảo tàng Lào Cai, nằm trong số di vật thu được từ san ủi một ngôi mộ quý tộc Đông Sơn Tây Âu thế kỷ 1 - 2 trước Công nguyên.

Cũng khoảng đó, khi gỡ vải từ một phần thi thể nam thanh niên Đông Sơn chôn trong mộ thân cây khoét rỗng được định tuổi C14 trong thế kỷ 4 trước Công nguyên, tôi phát hiện hai miếng đồng nhỏ như đồ đậy trên mắt người chết, trên đó hằn vết in của lụa mịn.
 
Những thợ dệt Đông Sơn Tây Âu này chắc chắn đã dệt được những tấm vải sọc đa sắc, trong đó có cả những băng màu óng ả của tơ tằm!
Tiếp tục tìm tòi, tôi phát hiện ra nhiều miếng lụa được dùng làm nền lót cho đồ sơn then đương thời, như nhĩ bôi, bao kiếm... và đặc biệt thấy vệt in lụa bên trong một ốp thắt lưng đồng, hình tròn, khai quật được ở Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Đó là bằng chứng chắc chắn của người chết đương thời đã mặc phục trang lụa là, hoặc chí ít cũng là dải thắt lưng như sử sách từng ghi lại: Lạc hầu, Lạc tướng thắt lưng thao xanh, đeo ấn đồng... Trong công nghệ sơn then, các tấm vải lanh, gai được dùng làm lớp nền bên trong tạo liên kết chắc chắn, mặt gai mịn của lụa được làm nền phủ ngoài cùng trước khi quết, mài sơn.
 
Vết lụa in trên một chân đèn bằng đồng (bên trái) và bị gỉ sắt in trên vòng bằng đá thuộc niên đại Đông Sơn ở Lào Cai (bên phải)
Vào khoảng niên đại này, thế giới phương Đông đã có nhiều tác phẩm lụa nổi tiếng, trong đó phải kể đến bức trướng bằng lụa viết hàng trăm chữ trong một ngôi mộ quý tộc nước Sở khoảng thế kỷ 5 - 6 trước Công nguyên, hoặc hàng trăm trang phục và đồ vật bọc lụa được khai quật từ mộ nữ quý tộc ở Mã Vương Đôi (Mawangdui) ở Hồ Nam, Trung Quốc... Đã có một viện nghiên cứu chuyên tơ lụa dành cả một cuốn sách để khảo cứu số lụa là gấm vóc của ngôi mộ này.
Có thể nói, quý tộc Đông Sơn khi đó đã hòa chung trong một vùng văn hóa tơ lụa sớm vào loại nhất thế giới đó, và đạt đỉnh cao của mình muộn nhất cũng vào khoảng giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên.
 "Có thể nói, quý tộc Đông Sơn khi đó đã hòa chung trong một vùng văn hóa tơ lụa sớm vào loại nhất thế giới đó, và cũng đạt đỉnh cao của mình muộn nhất cũng vào khoảng giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên" - TS Nguyễn Việt.
2. Khi bắt tay vào chương trình nghiên cứu vải sợi Đông Sơn năm 2001, tôi đã trình bày về chứng cứ lụa Việt Nam trên nhiều diễn đàn quốc tế thông qua những vết in được phóng đại và so sánh mật độ sợi với tơ lụa sau đó trong mộ Nguyễn Bá Khánh và Lê Dụ Tông thế kỷ 17 - 18. Kinh nghiệm hiện đại của các nghệ nhân làng Vạn Phúc để thử chất tơ tằm là đốt dưới lửa để xem độ xoắn chảy và mùi khét nướng của nhựa protein từ dãi nhộng tằm. Kinh nghiệm này không ứng dụng được cho lụa thời Đông Sơn. Cách phổ biến hơn cả là chụp scaning điện tử phóng đại (SEM) để phát hiện bọt khí li ti trong sợi dãi nhộng tằm hoặc đếm mật độ sợi ngang, dọc trên một cm2 (thường khoảng 20-30 x 40-50 sợi/1 cm2).
 
Mảnh lụa nhỏ dùng làm tấm lót vá bằng sơn ta trên chiếc bát sơn mài khai quật trong mộ quan tài thân cây khoét rỗng Đông Sơn (sưu tập Vũ Sĩ Lợi, Ân Thi, Hưng Yên)
Có một câu chuyện lý thú xảy ra khi tôi lọc được một số mảnh vải gai, lanh Đông Sơn từ các mộ Châu Can, Động Xá năm 2000 và 2001, rồi nhận thấy chúng có những khoảng hở đều đặn như cách rút sợi vải tạo đăng ten (dental) để trang trí sau này. Tôi đã hồ hởi báo cáo sáng tạo độc đáo của thợ may thời Đông Sơn trong các hội nghị khoa học về vải sợi ở Ba Lan, Nhật Bản, cho đến khi nhận ra những vết hằn hình sóng lâu đời trên các đoạn sợi lanh, gai đăng ten đó. Và khi nhận ra khả năng tơ tằm gốc protein dãi động vật có thể bị tan trong môi trường a xít, tôi đã tiến hành đo tầng đất chứa mộ, nhận ra độ pH đều dưới 4. 
 
Miếng vải có những sọc màu dọc Đông Sơn khai quật ở Động Xá (Hưng Yên). Những khe hở đăng ten xen giữa nền màu sợi gai tự nhiên là nơi có các sợi tơ vàng óng bên cạnh băng sợi nhuộm chàm, rất giống cạp váy Mường cổ hiện lưu tại Bảo tàng vải sợi khảo cổ của chúng tôi

Tôi đã dùng một đoạn cạp váy Mường cổ có kết hợp dệt sợi bông với tơ tằm đang lưu giữ trong bảo tàng vải sợi của mình để thí nghiệm. Viện Hóa Hợp chất Thiên nhiên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia đã cùng tôi thực hiện thí nghiệm này. Kết quả: với hàm lượng axit sulfuric 5% thì sau 2 tuần sợi tơ tằm sẽ biến mất. Nếu tăng tới 10%, chúng ta sẽ có thể quan sát điều đó trong vòng một ngày một đêm. Và nếu 20% có thể tận mắt nhìn thấy tơ tằm tan ngay như huyền phù trong dung dịch. Như vậy đủ cơ sở khoa học để kết luận những khoảng trống trong các tấm "đăng ten" đó thực chất là sợi tơ tằm đã bị môi trường pH thấp tiêu hủy sau hàng ngàn năm trong lòng đất.

 
 Miếng vải gai Đông Sơn khai quật ở Động Xá (Hưng Yên) thoạt đầu được nghĩ rằng người xưa rút sợi để tạo khoảng trống trang trí như đăng ten (dental) trên vải. Nhưng các vết hằn của sợi lâu ngày trên các sợi gai nằm ngang cùng kết quả đo pH môi trường chứa vải và thí nghiệm trên vải dệt có đặt sợi tơ tằm trên cạp váy cổ Mường xác nhận đó là khoảng đặt sợi tơ tằm khi dệt tấm vải có sọc màu bằng tơ tằm
Từ đó, chúng tôi có cơ sở để phục dựng những tấm vải Đông Sơn trang trí băng màu dọc với ít nhất ba màu: trắng ngà tự nhiên của sợi gai không nhuộm, chàm của sợi lanh nhuộm indigo và màu óng vàng hay hồng đỏ của tơ tằm như cách phụ nữ Mông, Dao, Mường, Thái... hiện tại vẫn đang sử dụng.
 
 Miếng vải cạp váy cổ của người Mường dệt sợi bông (cotton) để trắng và nhuộm chàm lẫn với băng sợi tơ tằm vàng óng được cắt đôi dùng thí nghiệm ngâm trong một nửa trong dung dịch loãng axit sulfuric, và kết quả tương tự miếng vải Đông Sơn khai quật ở Động Xá
Để kết thúc câu chuyện về lụa là thời Đông Sơn, tôi xin kể về phát hiện mới nhất khi rửa một chiếc bát gỗ sơn mài đang xử lý trong phòng thí nghiệm từ tháng 12/2023.
Chiếc bát rộng 18cm, cao 8cm, làm từ gỗ nguyên cây, thành dày 1,5 -2 cm. Trong lòng sơn màu vàng đậm, miệng viền sơn màu son thổ hoàng, bên ngoài sơn then đen bóng.
 
Cảnh lễ hội trên một cán dao găm Đông Sơn. Thật khó cho nghệ nhân nếu phải khoác lên thân người chỉ cao khoảng 2cm những tấm vải nhiều màu và bằng cả tơ lụa đương thời. Nhưng sự thực khảo cổ khiến tôi luôn tin rằng những cảnh lễ hội như vậy luôn sặc sỡ sắc màu của vải lụa Đông Sơn.
Hẳn đây là đồ đang sử dụng khi còn sống của người chết, vì trên thân có một vết rách kéo dài đến miệng bát. Vết rách đó được chủ nhân hoặc một thợ sơn nào đó dùng một miếng lụa mỏng tang, dài 12 cm rộng 1,2cm dán che vết nứt, làm nền cho sơn then bọc một lớp bảo vệ mới gắn liền vết rách đó. Thật là một chứng cứ sinh động với lụa thời xa xưa trên 2000 năm trước.
Lụa trong xã hội Đông Sơn
Lụa đã được dùng khá phổ biến trong xã hội Đông Sơn. Câu chuyện Man Nương - tương truyền là mẹ Hai Bà Trưng - là người trồng dâu nuôi tằm dệt lụa được ghi trong dã sử từ hàng ngàn năm nay. Rồi, Ả Lã được thờ ở nhiều làng lụa và cho rằng đó là tổ nghề dệt với một loại khung tơ tằm nào đó thời Đường để mở ra con đường tơ lụa từ đất Giao Châu An Nam đô hộ phủ ngược sông Hồng qua Vân Nam vào thế giới Ấn Độ, Ả Rập.
Chuyện dâu tằm lụa là còn đọng lại ở một hoàng hậu nổi tiếng với tên Ỷ Lan (tựa cành dâu) thế kỷ 11, hiện được thờ ở chùa Bà Tấm vùng Sủi (Gia Lâm, Hà Nội), Ghênh, Lạng (Văn Lâm, Hưng Yên)... Vùng đất cổ cả tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng này còn phủ dày phấn hoa cây dâu đến nỗi bất kỳ lúc nào, ở đâu cũng có thể xuất hiện những cây dâu hoang cho đến tận ngày hôm nay. (còn tiếp)

TS NGUYỄN VIỆT

https://thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4477

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 5): Thợ may Đông Sơn và sự khởi đầu nghề thêu

Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 5): Thợ may Đông Sơn và sự khởi đầu nghề thêu

  • 04/06/2024 09:40
  • 720

Thợ may Đông Sơn là một loại "thợ" có lẽ xuất hiện khá muộn sau thời Đông Sơn nhiều thế kỷ. Và chữ "thợ may" dùng trong trường hợp này chỉ mang ý nghĩa "vay mượn" mà thôi, nhằm bàn đến một lĩnh vực mà chúng tôi đã có bằng chứng khảo cổ học trong thời Đông Sơn, đó là việc "chế" thành các đồ trang phục đương thời.