Tên "Hộ tâm phiến" Đông Sơn xuất hiện phổ biến từ những năm 1960 - 1970 nhằm chỉ những phiến đồng mỏng hình vuông hay chữ nhật thường thấy trong các mộ táng Đông Sơn. Đây là một từ mượn chữ Hán ám chỉ vật tròn đeo trước ngực các bộ giáp phục. Sau này bỏ Hán ngữ dùng từ thuần Việt là "tấm che ngực", được nhiều nhà nghiên cứu xếp vào mục binh khí với tư cách là một hiện vật dùng để che đỡ một phần thân thể trong giáp chiến.
1. Trong quá trình thu thập tài liệu hiện vật Đông Sơn, tôi chưa có bằng chứng nào gắn những phiến đồng đó với chức năng giáp phục, mà nghiêng về chức năng trang trí móc đeo trước ngực những người giàu sang Đông Sơn. Hầu hết những phiến đồng đó đều có lỗ hoặc móc treo buộc. Phía sau lưng nhiều phiến đồng ấy có một khoảng khoanh tròn có gai rám nhỏ để tạo ma sát khi đính trên vải. Cho đến nay, chưa thấy hình khác ngoài hai loại hình vuông và hình chữ nhật.
Một số hình tấm đeo ngực Đông Sơn dạng hình vuông
Các tấm đồng đeo ngực này đều có độ dày như nhau thường trên dưới 1mm với một mặt trang trí quay ra ngoài, mặt kia để trơn. Loại hình vuông đều được trang trí cân đối theo bốn cạnh. Chiếc lớn nhất hiện biết có chiều dài mỗi cạnh 25cm, chiếc nhỏ nhất khoảng 10cm. Đa số có kích thước mỗi cạnh trong khoảng 16 - 18cm. Ở giữa các phiến hình vuông thường là họa tiết hình chữ "X" gồm hai chữ C quay lưng vào nhau rất giống hoa văn thêu của người Mông. Bốn cạnh thường là bốn chiếc thuyền đáy cong vào giữa với những người ngồi chèo và các chiến binh hóa trang.
Bốn góc thường thấy cặp cá sấu nhỏ thể hiện như hai con tôm rang cong úp mặt vào nhau. Họa tiết này cũng thường thấy trên các đốc rìu chiến lưỡi cong. Chính tại bốn góc này thường có các quai móc hoặc lỗ thủng để buộc như những mảnh giáp mà tôi đã giới thiệu tuần trước.
Một kiểu tấm đeo ngực rất độc đáo của quý tộc Đông Sơn
Rất hiếm thấy những kiểu trang trí ngoại lệ. Tuy nhiên, tôi đã từng chứng kiến một vật đeo ngực hình vuông có hình khắc các cặp nam nữ đang hôn phối như trên nắp thạp Đào Thịnh.
Kiểu hình chữ nhật từng được khảo cổ học phát hiện từ những năm 1960 ở Lật Phương, Đường Cồ (Phú Xuyên, Hà Nội)… Kích thước khá đồng nhất, dài khoảng trên dưới 30cm, rộng 8 - 10 cm, dày trên dưới 1mm.
2. Có hai loại đề tài trang trí trên các tấm đeo ngực hình chữ nhật. Một là: băng hình những người hóa trang chèo thuyền. Có thể cùng theo một chiều, nhưng cũng có thể chia đôi thành hai nhóm hai chiều quay lưng vào nhau. Hai là: Băng rước lễ vật, gồm những người bám đuôi nhau tay cầm vũ khi cùng những người bưng lễ khí và lễ vật.
Tấm đeo ngực hình chữ nhật với băng trang trí chính là đoàn rước lễ với chiến binh mang vũ khí, dàn nhạc khèn và người rót rượu, dâng lễ (sưu tập CQK, California, Mỹ)
Tôi thường hay trích dẫn băng người mang lễ vật trên một tấm đeo ngực thuộc sưu tập CQK (California, Mỹ) khi nhận thấy rất rõ một người bưng vò (rượu), một người dùng muôi quả bầu múc rót vào chiếc cốc có hai tay cầm rộng dành riêng cho thày cúng (shaman). Ở loại tấm đeo hình chữ nhật, móc quai đúc ở phía trước chèn lẫn với hình trang trí. Nhiều trường hợp có thêm những móc như vậy để treo các quả chuông nhỏ tạo âm thanh vui tai theo nhịp đi hoặc nhảy múa của người đeo. Cũng có một vài trường hợp hai móc đeo đúc ở phía sau lưng phiến đeo ngực. Một số vật đeo ngực loại hình chữ nhật được đúc thêm những hình hươu nai, chim thú có treo chuông nhạc đối xứng nhau ở cạnh phía trên phiến đồng. Trong sưu tập CQK ở California, có những tấm đeo ngực hình chữ nhật như vậy, nhưng được chạm đục bằng tay hình tứ linh và thần thánh theo phong cách Hán.
Trong số những vật đeo hình vuông tôi đã tận tay đo vẽ có một hiện vật vớt sông rất đẹp. Người thợ chế tác đã tạo ra một vật đeo mỏng bằng cách đan bện tre mây, sáp ong và sợi vỏ cây thành một hình vuông mỗi cạnh chừng 7cm, nhưng ở bốn góc tạo thành các vòng xoắn đối xứng. Chính giữa là hình chữ "X" quen thuộc. Mẫu vật sau đó được bọc khuôn nung nóng cho cháy và tan chảy sáp ong trước khi rót đồng để tạo ra một vật đeo mềm mại như mây tre, vải sợi vậy.
Số lượng phát hiện những phiến đồng hình vuông và chữ nhật này khá nhiều, cho thấy chúng là vật trang trí được ưa dùng của người giàu sang hay thầy cúng Đông Sơn.
Một tấm đeo ngực Đông Sơn điển hình với những hình trang trí tâm linh theo phong cách Hán được chạm khắc vào sau (sưu tập CQK, California, Mỹ)
Ngoài những tấm đồng phổ biến nói trên, khảo cổ học Đông Sơn còn phát hiện được những phiến đồng khá đặc thù, có lẽ dành riêng cho các thầy cúng hoặc thủ lĩnh cộng đồng. Đó là các vật đeo hình tròn dạng chóp nón trang trí hoa văn như nắp thạp đồng hoặc để trơn hay khảm đá. Phía sau lưng là móc đeo. Trên một số hình tượng đúc trang trí trên cán dao găm hay thắt lưng thì những vật này thường đeo ở giữa bụng hoặc đính vào băng giải đeo trước trán. Kiểu sử dụng các ốp đồng tròn gắn đá rất gần gũi với nhóm Đông Sơn Tây Âu.
Đương nhiên, hiện vật đáng nói nhất trong số nhưng vật đeo gắn vào trang phục Đông Sơn chính là những khóa thắt lưng đồng mà tôi đã dành nhiều trang khi nói đến công việc tạo hình của những người thợ cả Đông Sơn. Khóa thắt lưng đồng Đông Sơn với các mô-típ truyền thống như cá sấu, rùa, bồ nông… là những sản phẩm đặc thù không lẫn với bất kỳ nền văn hóa nào đương thời. Cũng với những vật trang sức rời (như vòng đeo tai, xuyên mũi, vòng tay, vòng chân trơn hoặc có hình thú, gắn nhạc chuông, đai đầu, vương miện, thắt lưng và những vật gắn vào trang phục), người xưa sẽ tạo nên chân dung hoàn chỉnh của chiến binh, thủ lĩnh, thầy cúng và những lễ phục thường dân Đông Sơn.
3. Tôi rất mừng rằng công cuộc phục dựng chân dung người Đông Sơn đã dần hoàn chỉnh bằng cách góp nhặt tỉ mỉ từng mảnh hiện vật, gắn chắp từng mẩu xương, chiếc răng rời ra trong mộ, phục dựng vải sợi, cách dệt, nhuộm, đối chiếu từng hiện vật với phục trang hiện diện trong mộ và trên các hình khắc, khối tượng…
Sắp đến ngày chúng tôi dựng lại hoàn chỉnh một xã hội Đông Sơn thu nhỏ bằng việc dựng lại sinh hoạt trên một ngôi nhà với nhóm nhạc công đánh trống ở đầu sàn và nhóm múc rượu làm lễ ở trong nhà. Chân dung, vải vóc của họ sẽ được mượn từ chủ nhân làng Động Xá đã qua đời từ hơn 2.000 năm trước.
Những miếng đồng gài đầu hình tròn phía sau hoặc trên trán chiến binh (hình bên trái và bên phải) và hình đặc tả một vật cài trên đầu thầy cúng Đông Sơn (hình giữa)
Những vật đeo mà tôi rì rầm hôm nay cũng là tạm kết thúc cho chùm bài về vải sợi, phục trang Đông Sơn. Hẹn trở lại chủ đề này khi chúng tôi dựng lên chân dung những con người Đông Sơn hoàn chỉnh với những phục trang và vật dụng họ đã để lại trong lòng đất từ hơn 2.000 năm trước.
"Chúng tôi sẽ dựng lại hoàn chỉnh một xã hội Đông Sơn thu nhỏ bằng việc dựng lại sinh hoạt trên một ngôi nhà với nhóm nhạc công đánh trống ở đầu sàn và nhóm múc rượu làm lễ ở trong nhà" - TS Nguyễn Việt.
TS NGUYỄN VIỆT