Thứ Hai, 09/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/08/2024 11:56 420
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tiếp theo các buổi rì rầm những tuần trước, chúng ta đang quan tâm đến ứng xử của người Đông Sơn với lúa gạo. Hôm nay, hãy tập trung vào một loại hình "cơm" đặc biệt của Đông Sơn, đó là rượu!

1. Năm 2008 tôi nhận viết cho tờ Art & Culture (Nghệ thuật và Văn hóa) - niên san của Bảo tàng Barbier - Mueller ở Geneva (Thụy Sĩ) một chuyên khảo về thạp đồng Đông Sơn. Trong chuyên khảo này có một yêu cầu được đặt ra là chức năng của các thạp đồng Đông Sơn dùng để chứa gì?

Theo tình trạng phát hiện khảo cổ thì đa số thạp chứa xương người như thạp Hợp Minh, thạp Đào Thịnh… khiến nhiều nhà nghiên cứu gắn thạp đồng Đông Sơn với chức năng quan tài. Thực ra quan tài chỉ là chức năng cuối cùng khi chủ nhân chết dùng thạp chứa hài cốt mà thôi, chứ khi đúc thạp ra chủ nhân Đông Sơn nhắm vào một chức năng cụ thể khác: đựng rượu!
Trong quá trình thu thập tài liệu tôi nhận ra những bằng chứng cho thấy thạp đồng là đồ chứa chất lỏng. Đó là việc những minh văn chữ Hán khắc trên thạp Đông Sơn đều ghi rõ dung lượng (sức chứa) của thạp. Ví dụ chiếc thạp hiện lưu tại Bảo tàng Barbier - Mueller (Geneva) mà tôi đã xác nhận khai quật được ở Xuân Lập (Thanh Hóa) có một dòng 22 chữ ghi rõ tên thạp là "Quả" (Danh viết quả) chứa nổi hai mươi mốt đấu bảy thăng rưỡi (dung nhất trập nhất đấuthất thăng bán thăng) chuyển đổi qua đơn vị đo lường đời Tây Hán ở Nam Việt tương ứng với khoảng 40 lít.
Một phát hiện khác giúp xác định chất lỏng chứa trong thạp thường là rượu, dựa trên minh văn viết trên thân một chiếc thạp rất giống những chiếc thạp ghi "Cửu Chân phủ" phát hiện được ở vùng Quảng Đông (đất quận Nam Hải đời Nam Việt và Hán). Đó là một thạp gốm, có sức chứa khoảng 5 lít, bên ngoài khắc dòng chữ Hán, đại ý: "Kẻ nào, đi trong khoảng 500m mà uống hết 10 vò rượu như trong thạp này thì có thể sống tới 300 tuổi!". Đây là một bằng chứng rất quan trọng cho phép biết rằng các vật dụng dạng hình thạp đều dùng để đựng rượu.
 
Dạng thạp đồng đựng rượu nghi lễ thường dùng trong lễ hội Đông Sơn (sưu tập của bảo tàng Mỹ, ảnh do Trần Đức Anh Sơn cung cấp)
Những thạp rượu này khiến tôi nhớ đến việc Hán thư chép sau khi tướng Tây Hán là Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức bình định Nam Việt năm 110 trước Công nguyên, hai viên điển sứ Giao Chỉ và Cửu Chân mang vài ngàn vò rượu và trâu bò cùng sổ hộ khẩu dâng nộp để được tiếp tục trông coi hai quận như cũ. Rất có thể đây chính là các vò gốm chế từ những lò tiền thân của lò gốm Tam Thọ thời Đông Hán dùng đựng rượu ủ chế từ trấu gạo Giao Chỉ, Cửu Chân.
Thống kê hàng trăm thạp đồng Đông Sơn có thể dễ dàng nhận ra số lượng thạp chiếm số đông là loại thạp có sức chứa từ 5 - 10 lít, phù hợp với các bữa tiệc rượu gia đình. Dạng thạp cỡ 20 - 30 lít tương ứng với các bữa tiệc rượu dòng họ và loại 40 lít dành cho những cộng đồng lớn hơn, hiện đã phát hiện khoảng 20 chiếc. Chiếc lớn duy nhất là Đào Thịnh sức chứa tới 200 lít, dành riêng cho lễ hội của cả một cộng đồng lớn…
 
Một dạng thạp đựng rượu phổ biến vào khoảng trước sau công nguyên, mang phong cách Cửu Chân phủ
2. Văn hóa rượu Đông Sơn là văn hóa rượu ủ, chưa có rượu chưng cất. Ở Việt Nam, theo khảo cứu của Lê Quý Đôn trong Vân Đài loại ngữ thì rượu chưng cất vào ta khá muộn, theo chân những người Mông Cổ thời Đại Hãn học được cách chưng cất rượu từ thế giới Ba Tư, Ả Rập… Sự chuyển hóa từ dạng rượu ủ lên men dưới 15 độ cồn sang dùng rượu chưng cất nồng độ cồn cao hơn kéo theo chuyển đổi từ uống rượu bằng bình vò, bát sang dùng tước, ly nhỏ hơn. Tôi có được khá nhiều hình tượng mô tả cảnh uống rượu thời Đông Sơn hoặc Tây Âu Điền (Vân Nam, Trung Quốc).
Bằng chứng hiện nay về rượu Đông Sơn mà chúng tôi sưu tầm được chỉ là một số cắn vỏ trấu bám đọng ở kẽ đáy một số thạp đồng. Nếu chung ta hiểu cách làm rượu cần của người Mường Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ… hiện nay thì dễ lý giải các cắn đọng trấu này. Để chế ra một vò rượu cần, người Mường cần giã nhẹ để tách ra một lớp trấu nếp còn cám ở bên trong. Trấu nếp được đun nóng với xăm xắp nước, sau đó tãi ra mẹt. Cám gặp nóng ẩm sẽ dần lên men. Để tăng độ lên men, người ta trộn thêm một số con men tăng cường, sau đó ủ trong lòng một bình vò bằng sành, đậy kín. Cám trong trấu chính là lớp áo của gạo sẽ tạo ra vị rượu nếp ủ. Khi dùng, sẽ cho nước sạch vào hòa tan, dùng cần mút uống…
 
Hình khắc trên mặt trống đồng với những người nhảy múa, bên cạnh mỗi người là một cốc rượu. Vòng trong là những quý tộc Đông Sơn - Điền ôm trống gõ, xung quanh những người hầu rượu với vò rượu lớn và những chiếc “di” đồng trên tay
Những bình vò đặt bên cạnh cột buộc trâu trong lễ đâm trâu hay trên sạp thuyền thể hiện trên trống Đông Sơn chính là những vò rượu ủ đó. Rượu ủ có thể uống bằng cần, cũng có thể lọc đựng trong các chum, vò, chậu múc uống bằng bát, muôi, gáo, cốc, nhĩ bôi…
Ngôi nhà Đông Sơn thuộc sưu tập CQK có ba người đánh trống ở phía đầu sàn mở, bên trong mái che là nhóm 4 người ngồi quanh một vò rượu, dùng muôi quả bầu múc mời nhau. Trên mặt một trống đồng Tây Âu có cảnh những người cầm "di" - một dụng cụ san rượu điển hình - lấy rượu từ các chum, thạp lớn đi rót vào các cốc để chuốc say những người ngồi ôm trống ca hát. Một chiếc "di" như vậy đã khai quật được trong mộ thân cây khoét rỗng thời Âu Lạc ở Kiệt Thượng (Sao Đỏ, Hải Dương).
 
Chiếc “di” đồng rót rượu từng khai quật được trong mộ thân cây khoét rỗng Kiệt Thượng (Sao Đỏ, Hải Dương)
Hình ảnh trung tâm của dàn cảnh lễ hội trên mặt trống đồng dạng Ngọc Lũ, Cổ Loa, Hoàng Hạ, Guimet, Khai Hóa, Nguyễn Đình Sử, Nguyễn Đại Dương... hoặc trên thân thạp Hợp Minh, là ở trong nhà sàn có chim đậu trên nóc và dàn người đánh trống bên cạnh, trong đó đều rất thống nhất mô tả cảnh người dâng chiếc cốc lễ nghi có hai tay cầm dài. Tôi tin rằng đó là cảnh dâng rượu cho thần thánh. Ở một ốp thắt lưng thuộc nhóm Tây Âu trong văn hóa Điền có cảnh những người đội tấm bản gỗ hình chữ X trên đầu như cách dân tộc Dao ở Sapa hiện còn dùng. Những người này chia làm hai tầng, tầng trên 4 người xòe giơ tay ngang vai há miệng hát, tầng dưới 4 người múc rượu, ôm chum, gõ phách. Bên mỗi người là một chiếc "tước" - một kiểu cốc cao miệng loe, chứa rượu.
 
Cảnh ca múa và uống rượu tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn : Bốn người bên trên dang tay múa hát, bốn người bên dưới múc rượu gõ nhạc cụ, chuốc nhau. Bên cạnh mỗi người đều có một cốc rượu. Người bên trái ngoài cùng ở tầng dưới đang dùng muôi quả bầu múc rượu từ trong chiếc vò chứa lớn bên cạnh
Lễ hội Đông Sơn luôn kết thúc bằng rượu, rất nhiều rượu để xếp vòng nhảy múa và ôm bất kể dụng cụ gì có thể phát ra âm thanh để gõ. Điều đó được minh chứng bằng hệ thống đồ đun nấu và đựng thức ăn bằng đồng thời Đông Sơn thường có hai mặt chức năng đáy: Bên trong để đựng thức ăn, bên ngoài dưới đáy là hình mặt trống với ngôi sao hiều cành ở giữa và chim mỏ dài, người hóa trang bay, chạy vờn quanh. (Còn tiếp)

TS NGUYỄN VIỆT

https://thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4209

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Cái ăn của người Đông Sơn (kỳ 5): Cơm Đông Sơn với những hạt khác lúa và những món khác cơm

Cái ăn của người Đông Sơn (kỳ 5): "Cơm Đông Sơn" với những hạt khác lúa và những món khác cơm

  • 01/08/2024 10:21
  • 433

Đa số dân Đông Sơn ăn lúa gạo hàng ngày là điều không thể chối cãi. Nhưng trong số "cốc vật" (getreide, grain) làm lương thực lúc đó đã không phải chỉ là "độc cốc" - lúa (rice). Sau này ta thường nghe thấy một từ quen tai: ngũ cốc (năm loài hạt - thử, tắc, kê, đạo, truật…) là ám chỉ sự đa dạng trong lương thực chính của cư dân trên trái đất này, trong đó mỗi vùng địa nhân văn tương ứng với sự lan tỏa và sử dụng một loại hình lương thực chính.