Thứ Năm, 05/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

16/08/2024 14:42 746
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Có lẽ đây là một nội dung sinh hoạt có vị trí đặc biệt và trung tâm trong đời sống sinh hoạt hàng năm cũng như đời sống tâm linh thường ngày của cư dân Đông Sơn. Nhận xét này dựa trên thống kê cách mà xã hội Đông Sơn đã đầu tư cho nghệ thuật được miêu tả bằng tạo hình trên những vật phẩm kim loại cao cấp và giá trị nhất đương thời.

1. Hiện tại, theo con số tôi nắm được, có khoảng chục hiện vật Đông Sơn chép lại khá chi tiết những bữa cơm cúng này. Chúng chủ yếu là trên mặt một số trống đồng và trên thân thạp đồng. Dù khác nhau về loại hình hiện vật dùng thể hiện hoặc chênh nhau hàng thế kỷ về thời gian, công thức mô tả bữa cơm cúng nghi lễ đều khá giống nhau, cho thấy tính chất quy ước của các tốp thợ đã đến mức chuẩn hóa mang tính tâm linh xã hội.

Năm nay là năm kỷ niệm tròn 100 năm văn hóa Đông Sơn được phát hiện và ghi nhận (1924 - 2024). Thực ra, hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn đã xuất lộ từ khá lâu trước 1924. Ví như chiếc trống Đông Sơn muộn có minh văn liên quan đến Thái phó Tô Hiến Thành có thể đã xuất lộ từ trước thế kỷ 11. Chiếc trống Ngọc Lũ xuất lộ trước năm 1902…
 
Bản rập hoa văn cảnh tượng làm lễ trong nhà sàn trên mặt trống Đông Sơn phát hiện ở Sangeang (Indonesia)
Nhưng giới học giả trên thế giới cũng như trong nước đã nhất trí chọn năm 1924 gắn với câu chuyện một lão ngư phát hiện lô đồ đồng Đông Sơn lở ra ở bờ hữu ngạn sông Mã, đoạn chảy qua khu vực làng Đông Sơn, nay là đất thuộc nhà máy phân lân Lân Hàm Rồng (Thanh Hóa). Bởi lẽ phát hiện của lão ngư này đã liên thông trực tiếp đến giới khoa học thông qua hoạt động của một viên chức thuế quan Pháp ham sưu tầm cổ vật là ông Pajot và các nhà nghiên cứu Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO). Thanh Hóa dựa vào phát hiện này và cách  đặt tên văn hóa Đông Sơn của các nhà khoa học để trở thành chủ nhà của nền văn minh đồ đồng cổ xưa nổi tiếng với tuổi trên 2.000 năm trước.
Thanh Hóa sẽ làm một lễ kỷ niệm 100 năm Văn hóa Đông Sơn khá trọng thể. Còn bây giờ, tôi sẽ cùng các trưởng lão Đông Sơn xưa làm một bữa cơm cúng ảo thông qua mục Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất của báo Thể thao và Văn hóa tuần này.
"Định hướng ăn đũa ngày nay mang tính truyền thống của người Việt cho phép chúng ta nghiêng về suy đoán cư dân Đông Sơn đã dùng đũa, chí ít là trong những bữa tiệc cúng mang tính lễ nghi" - TS Nguyễn Việt.
2. Do người thợ cả sáng tạo đầu tiên ra quy ước mô tả toàn cảnh lễ hội Đông Sơn này phải bao quát được những hoạt cảnh chính của lễ hội, từ đoàn múa, dàn đánh trống, giã sàng gạo, thuyền chiến bơi chải, đất trời, sông nước với chim thú đại diện… nên mâm cúng lõi cốt bị thu lại rất nhỏ bên trong ô nhà sàn bị gỉ két sau hàng ngàn năm, với diện tích chỉ chừng vài ba centimet vuông, khiến cho việc nhận chân ra quang cảnh trong đó rất khó khăn và gây tranh cãi giữa các nhà khoa học ngót nghét hàng trăm năm nay.
Từ khi bắt tay vào "đọc" nội dung thợ xưa mô tả bên trong nhà sàn, tôi đã phải tạo ra bộ từ điển ngôn ngữ mỹ thuật Đông Sơn mà người thợ Đông Sơn đã tổng kết và chuẩn hóa. Rất may trong quá trình đó, tôi đã chắp nhặt các chi tiết từ những phần trang trí còn nguyên vẹn ở các hiện vật khác nhau để lọc ra từng yếu tố mang tính quy ước phổ cập chung cho nghệ thuật đương thời.
 
Một dạng muôi quả bầu đúc bằng đồng dùng múc rượu trong nghi lễ cúng Đông Sơn (sưu tập Nhà hàng Trống Đông Sơn, Hà Nội)
Một trong những mảng hình rõ nét nhất là các hình mô tả bên trong nhà sàn trên trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Sangeang (Indonesia). Tại đây, nghệ nhận thể hiện đã để không gian nhà sàn rộng hơn, đủ trình diễn người hành lễ và những dụng cụ mang theo trong không gian đó. Qua đó có thể thấy rõ cảnh quỳ lạy, rót rượu, dâng rượu cho một "nhân vật" quan trọng có người hầu cầm quạt đi theo. Nhân vật này có thể là thủ lĩnh hoặc thầy cúng. Cảnh này khiến tôi liên tưởng đến cảnh nhóm người ngồi quanh vò rượu múc dâng cho một người ở trong ngôi nhà thuộc sưu tập CQK.
Ở một khung cảnh khác trên trống, có thể nhận ra người đánh trống da, người thổi khèn và người rót rượu, dâng rượu. Trống được bày ở cả trên dàn sạp có người đứng, ngồi và cả trống dưới gầm sàn nhà. Những chiếc muôi hình quả bầu luôn được dùng để múc rượu, và một dụng cụ dùng cho nghi lễ đó là chiếc cốc đồng có hai tay dài để dâng lễ. Rượu để trong những âu vò, thạp trang trí với những chiếc quai đẹp.
 
Một bát chân cao đựng thức ăn (hình trái) và “thố”đựng rượu có treo nhạc chuông (hình phải) thuộc bộ đồ ăn quý tộc hay dùng trong các lễ cúng Đông Sơn (sưu tập CQK, California, Mỹ)
3. Do những hạn chế của không gian thể hiện nên nghệ nhận xưa khó lòng "vẽ" được hết những đồ dùng trong các bữa cúng lễ nghi đó. Bù lại, khảo cổ học phát hiện trong mộ táng của quý tộc, thủ lĩnh hay thầy cúng Đông Sơn rất nhiều đồ phục vụ ăn uống và nghi lễ. Một trong những dụng cụ đặc trưng thời này là những âu, vò, nồi… với những chiếc nắp đậy khít có ba vấu hoặc ba chân cao, để khi đồ nấu chín có thể ngửa nắp ra làm thành đĩa đựng. Đồ ăn thường để ngay trong nồi nông như các nồi lẩu hiện nay.
Chiếc nồi nướng hình con vịt ở Lào Cai mà tôi đã nói trong bài trước cũng vậy. Khi mở nắp ra thì cả phần dưới lẫn phần trên trở thành hai chiếc đĩa hình chim luôn. Có khá nhiều đĩa dạng chậu với nhiều kích cỡ khác nhau. Phổ biến là loại chậu rộng 30 - 40cm đựng thức ăn chung, thường có gắn hổ phù, đính quai tròn và nhiều loại đĩa phần lòng chỉ sâu 4 - 5cm, rộng 15 - 17cm nhưng vành miệng bản rộng tới 5 - 6cm như chiếc mũ tai bèo.
 
Hình trái: Bộ đồ ăn trong mộ vợ chồng quý tộc Đông Sơn chôn trong hai mộ thân cây khoét rỗng Kiệt Thượng (Sao Đỏ, Hải Dương). Sưu tập Bảo tàng Hải Dương. Hình phải: Thạp gốm đựng rượu trong mộ Đông Sơn muộn phát hiện ở Dọc Hồng (Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên) cùng với một đĩa, nhĩ bôi và muôi múc cán đầu rồng bằng đồng. Sưu tập bảo tàng Phạm Huy Thông, Hòa Bình
Loại đĩa này đúc đơn giản, không trang trí gì, có lẽ là những đĩa ăn dùng cho cá nhân. Từ khi sát nhập vào Nam Việt rồi nhà Hán xuất hiện thêm các loại bát có đai, chân thấp và chân cao. Trong lòng nhiều bát đó còn in nổi hoa văn đồng tiền Ngũ Thù. Loại bát, chén này có nhiều cỡ rộng miệng từ 25, 15 đến 10, 8cm.
Cũng khoảng thời gian này xuất hiện loại bát trơn gò và miết bóng rất tinh xảo theo kỹ thuật kim hoàn của Ấn Độ. Loại bát này chế bằng đồng pha nhiều thiếc, thành bát ép dát kín, bóng, khá mỏng. Giữa đáy thỉnh thoảng có núm nhọn nhô cao, hình dáng như các bát khất thực còn dùng cho đến ngày nay. Đường kính miệng phổ biến của loại bát này trong khoảng 10 - 15cm, thảng hoặc cũng có chiếc nhỏ 7 - 8cm…
Chưa thấy phổ biến dụng cụ trung gian như thìa, đũa. Đôi đũa đất nung hiếm có mới chỉ thấy trong mộ Đường, dù gợi ý cách ăn dùng đũa tre hoặc ăn bốc. Định hướng ăn đũa ngày nay mang tính truyền thống của người Việt cho phép chúng ta nghiêng về suy đoán cư dân Đông Sơn đã dùng đũa, chí ít là trong những bữa tiệc cúng mang tính lễ nghi.        
Tôi sẽ tạm dừng chuyện ăn uống Đông Sơn ở đây để từ tuần sau sẽ sang những lĩnh vực đời sống Đông Sơn khác không kém phần hấp dẫn, như "thắp sáng", "chữa bệnh" và "vũ khí" Đông Sơn. Hẹn gặp các bạn những thứ năm tiếp theo!    
Người Đông Sơn uống rượu bằng gì?
Chưa thấy bộ chén chuyên uống rượu, có lẽ phổ biến uống bằng bát. Thói quen này kéo dài đến tận thời Lê, thế kỷ 15. Tuy nhiên, có lẽ do tiếp xúc với văn hóa phương Bắc nên từ khoảng thế kỷ 3 - 4 trước Công nguyên, chủ nhân Đông Sơn bắt đầu dùng "nhĩ bôi" - một dụng cụ uống nông lòng, hình bầu dục có hai tai dài ở hai bên thường làm bằng gỗ sơn then hoặc bằng đồng.

TS NGUYỄN VIỆT

https://thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4477

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Cái ăn của người Đông Sơn (kỳ 7): Cơm cúng và cơm khách Đông Sơn

Cái ăn của người Đông Sơn (kỳ 7): Cơm cúng và cơm khách Đông Sơn

  • 14/08/2024 13:18
  • 726

Ngoài những bữa ăn bình thường thì trong đời sống cư dân Đông Sơn nổi lên hai loại "cơm" quan trọng, đó là cơm cúng và cơm khách.