Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

16/09/2024 09:28 231
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Như đã hứa hẹn từ tuần trước, từ tuần này tôi sẽ "rì rầm" cùng các bạn xoay quanh chủ đề về "tạo sáng" (lighting) thời Đông Sơn.

1. Con người, hay nói xa xưa hơn, từ loài động vật đã hưởng thụ món quà thiên tạo gắn với lịch sử hình thành Trái đất, đó là ánh sáng của ban ngày và màn tối của ban đêm. Ánh sáng ban ngày đến khi phần Trái đất xoay về hướng đón tia rọi tới từ Mặt trời. Và khi nửa đó xoay về phía bên kia sẽ chỉ thấy màn đêm vũ trụ với lấp lánh những vì sao, cũng chính là những hành tinh khác ở rất xa đang nhận ánh sáng từ Mặt trời lóe lên.

Trong những đêm đó, có một số ngày, nhờ nhịp xoay gắn với Trái đất mà một hành tinh láng giềng gần gũi nhất với Trái đất là Mặt trăng đã phản chiếu tấm gương của phần nửa nhận nắng Mặt trời về vùng đêm của quả đất, tạo ra cây đèn diệu kỳ, linh thiêng trong hàng tỷ năm các giống loài sinh tồn trên trái đất được trải nghiệm.
 
Trên đốc kiếm Đông Sơn muộn có hình đầu gà trong một vòng tròn có nhiều núm đinh xung quanh liên quan đến tín ngưỡng thờ Mặt trời. Sưu tập: CQK
Tiếng hú của sói rừng, sự tụ hội của một số loài cá đại dương… ghi nhận tương tác động vật trên Trái đất với ánh sáng của trăng. Từ khi ra đời, loài người chính là loài đã hưởng thụ và đưa sự tương tác đó lên đến đỉnh cao nhất với hàng trăm lễ hội, tín ngưỡng gắn với ánh sáng của những dịp trăng rằm mỗi tháng…
Buổi rì rầm "tạo sáng" Đông Sơn chủ yếu sẽ nhấn mạnh những di vật Đông Sơn có liên quan đến tín ngưỡng thờ thần Mặt trời, Mặt trăng và đến quá trình tạo sáng về đêm với việc phát hiện hàng nhiều chục loại hình hiện vật dạng "đèn" từ đơn giản, thông dụng đến phức tạp, quý phái, xa hoa lộng lẫy.
Hầu như không một nghệ nhân nào thể hiện Mặt trời chỉ bằng một vòng tròn. Bản chất mặt trời là tia sáng chứ không phải là một hình tròn đơn điệu.
2. Đến nay, không còn nhiều tranh cãi về hình Mặt trời trên các tâm điểm hiện vật Đông Sơn hình tròn như mặt trống đồng, nắp thạp đồng, mặt đáy nồi chậu trống hay đáy đỉnh vạc ba chân, trên một số khóa thắt lưng và chuỗi hình gắn trên thuyền chiến…
 
Cách thể hiện mặt trời phổ biến nhất chiếm 95% các tiêu bản nghệ thuật đồ đồng Đông Sơn là trên mặt các trống đồng và nắp các thạp đồng. Sưu tập Kiều Chẩn, California (Mỹ)
Trong những tiêu bản trống đồng đỉnh cao như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, Sông Đà… thì sự sắp đặt các băng hình xung quanh Mặt trời toát lên tính chuẩn mực mang màu sắc một tín ngưỡng. Ở chính giữa là Mặt trời tỏa sáng bằng các tia nhọn ra mọi phía được khuôn lại trong một vòng tròn. Khe tam giác giữa các tia Mặt trời thường là hình khá giống với đuôi công - cũng là một biểu tượng của Mặt trời với chấm tròn ngũ sắc ở giữa và các tia tỏa ra xung quanh. Các băng viền quanh Mặt trời được thể hiện thế giới với chim trời ở trên cùng, người ở giữa và dưới cùng là thú vật dưới đất. Sông biển với thuyền và cá ở bên dưới nữa, nơi tang trống hoặc dưới băng người trên băng thú ở các thạp đồng bảo vật.
Khi loài người và sinh vật chấp nhận lấy Mặt trời làm trung tâm cho cuộc sống của muôn loài, vạn vật thì đó đã là một dấu ấn không thể chối cãi của tín ngưỡng tôn thờ Mặt trời. "Trời ơi" hẳn đã trở thành một tiếng kêu phát ra tự nhiên của người Đông Sơn như "Giàng ơi" sau này ở nhiều dân tộc trên đất nước ta hiện nay.
 
Khóa thắt lưng Đông Sơn bằng đồng trong sưu tập Barbier - Mueller (Geneva, Thụy Sĩ) có hai ốp tròn thể hiện hình mặt trời bên đôi bồ nông
Ở đây, xin mở ngoặc rằng từ "Giàng" chính là Trời, Giời, Bời lời… được ghi âm chữ Hán là "Dương". Hiện tại, ở Thanh Hóa, trung tâm điểm của thời văn hóa Đông Sơn chính là "Làng Giàng" (phát âm địa phương là "Ràng") từng là thủ phủ Cửu Chân, Ái Châu với tên "Tư Phố" - chợ ngã ba sông (nơi sông Chu nhập vào sông Mã) - hiện còn mang tên cổ Thiệu Dương, được coi như gốc tích họ Dương với Đô Dương, tướng theo Hai Bà Trưng, Dương Đình Nghệ phụ tá cho họ Khúc, mở đường cho Ngô Quyền giành độc lập năm 938…
 
Một vạc ba chân bằng đồng thuộc phong cách Đông Sơn phương nam có hình mặt trời trong khoanh tròn ở chính giữa đáy phía bên ngoài. Sưu tập bảo tàng Phạm Huy Thông, Hòa Bình
3. Hiện nay, tôi đã gom nhặt được gần 400 tiêu bản hình Mặt trời trên đồ đồng Đông Sơn. Hầu như không một nghệ nhân nào thể hiện Mặt trời chỉ bằng một vòng tròn. Bản chất mặt trời là tia sáng chứ không phải là một hình tròn đơn điệu. Trong thực tế, khi mới mọc hoặc lúc sắp lặn, Mặt trời có những phút giây hiện nguyên hình là một khối tròn đỏ lừ. Nhưng cả ban ngày, không mấy khi người ta nhận ra hình tròn đó mà chỉ nhận ra các tia chiếu rọi đến chói mắt, kinh hoàng.
Ấn tượng đó đã để lại trong nhận thức nghệ thuật Đông Sơn cách thể hiện phổ biến nhất là Mặt trời như một vật thể có nhiều tia tỏa ra xung quanh với một đường vòng tròn giới hạn bên ngoài. Chính vòng tròn giới hạn bên ngoài đó đã "bọc" lại vật thể nhiều tia rực sáng kia thành thực thể "ông Trời".
 
Tấm đồng che ngực Đông Sơn thường có biểu tượng hình chữ X như hai chữ C quay lưng vào nhau, có thể biểu trưng cho Mặt trời
Trong số khoảng 400 tiêu bản mà chúng ta đang bàn đến, có tới 95% "ông Trời" được thể hiện theo cách chung nhất kể trên. Số còn lại, "ông Trời" được thể hiện trong hai cách như sau. Thứ nhất, tạo một vòng tròn, sau đó tạo các hình tam giác răng cưa viền quanh bên ngoài vòng tròn đó. Đây là kiểu có thể bắt gặp ở một số mâm, đĩa , vật đeo trước trán hay ốp mặt thắt lưng Đông Sơn. Kiểu thứ hai là những hình sao nhỏ nhiều tia như các viên kim cương gắn trên thân một số thuyền chiến Đông Sơn.
Trong một số biểu tượng hình học nằm ở vị trí chính giữa các bản hiện vật đồng Đông Sơn cao cấp, như tấm đeo ngực (hộ tâm phiến), mảnh giáp trụ, vũ khí hay đồ cúng của shaman… tôi ngờ rằng có thể liên quan đến tín ngưỡng thờ thần Mặt trời. Đó là những cặp hình chữ C quay lưng vào nhau và hình mặt người với các viền băng tam giác răng cưa tỏa ra xung quanh...
Từ việc thụ động thụ hưởng ánh sáng và hơi ấm của Mặt trời, có thể cư dân thời Đông Sơn, nhờ kỹ năng chế kim loại màu như đồng, thiếc, bạc, vàng… đã có thể tăng thêm hiệu ứng của Trời bằng cách tạo ra những bề mặt phản quang, như gương đồng hay các tấm ốp trán, thắt lưng đuổi ma trừ tà, làm lóe mắt đối phương trong chiến trận…
Do khuôn khổ trang báo, tôi tạm dừng buổi "rì rầm" hôm nay tại đây. Phần tiếp theo về "Mặt trăng và những đêm rằm Đông Sơn huyền diệu" cũng như các ngọn đèn Đông Sơn sẽ chờ đón bạn đọc trong những thứ năm tuần sau trên Thể thao và Văn hóa.
Ngôi sao hay mặt trời?
Tôi nhớ, đã từng có sự tranh cãi trong khoảng diễn ra bốn kỳ hội nghị về Hùng Vương dựng nước (được tổ chức vào những năm 1968 - 1972), rằng những hình ở giữa mặt trống, nắp thạp đó là hình ngôi sao hay hình Mặt trời, do các tia tỏa đều ra trong một vòng tròn giới hạn chứ ít khi có một vòng tròn (mặt trời) tỏa ra các tia. Tuy nhiên, với vị trí luôn ở chính giữa và vạn vật ở xung quanh khiến lý lẽ về việc đó là ngôi sao đã tự dần lắng xuống nhường chỗ cho sự chấp nhận phổ biến và đương nhiên đó là biểu tượng của Mặt trời. (Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt

https://thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4278

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Cái ăn của người Đông Sơn (kỳ 8 & hết): Cơm cúng trong lễ hội Đông Sơn

Cái ăn của người Đông Sơn (kỳ 8 & hết): Cơm cúng trong lễ hội Đông Sơn

  • 16/08/2024 14:42
  • 541

Có lẽ đây là một nội dung sinh hoạt có vị trí đặc biệt và trung tâm trong đời sống sinh hoạt hàng năm cũng như đời sống tâm linh thường ngày của cư dân Đông Sơn. Nhận xét này dựa trên thống kê cách mà xã hội Đông Sơn đã đầu tư cho nghệ thuật được miêu tả bằng tạo hình trên những vật phẩm kim loại cao cấp và giá trị nhất đương thời.