Từ ngày 9 - 17/11/2024, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Tạp chí Kiến trúc cùng một số đơn vị phối hợp đã tổ chức hơn 100 hoạt động sáng tạo kết nối các công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Trong đó, điểm nhấn là 3 công trình biểu tượng (Pavilion) “Rồng rắn lên mây” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; “Hành lang thơ ngây” tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, “Dòng” ở Vườn hoa Diên Hồng và Bắc Bộ Phủ.
Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đã diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng Lễ hội Thiết kế Sáng tạo như: trưng bày Sưu tập đồ án Kiến trúc; trưng bày tranh, ký họa màu nước; các tọa đàm, hội thảo chuyên đề (Trí tuệ nhân tạo và Thiết kế kiến trúc, Sử dụng chất liệu văn hóa dân gian trong sáng tạo, Di sản Kiến trúc trong thành phố sáng tạo…); trình diễn “Kể chuyện Làng”; “Bách hoa bộ hành”… Các hoạt động sáng tạo, trình diễn, hội thảo/tọa đàm tại BTLSQG đã thu hút hàng nghìn lượt công chúng đến tham quan, tham dự và trải nghiệm.
Để tiếp tục lan tỏa và phát huy hiệu quả của các “Giao lộ sáng tạo”, kết nối các điểm đến trong Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 và giúp thế hệ trẻ có cơ hội tìm hiểu, khám phá những đặc trưng, giá trị của các công trình di sản, công trình biểu tượng của Thủ đô; sáng ngày 17/11/2024, BTLSQG tổ chức chương trình giáo dục, trải nghiệm với chủ đề “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” cho gần 70 học sinh đến từ các nhóm gia đình trên địa bàn Hà Nội.
Mở đầu chương trình, các em học sinh được tìm hiểu và trải nghiệm trò chơi dân gian “Rồng rắn lên mây” ngay trong không gian Pavilon “Rồng rắn lên mây” tại BTLSQG. Hoạt động tham quan, trải nghiệm này đã phần nào giúp các em học sinh hiểu hơn về ý tưởng Pavilon Rồng rắn lên mây mà họa sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Công Hiệp đã thể hiện trong Tuần lễ sáng tạo 2024 này: Trên cơ sở của một trò chơi dân gian truyền thống, có vẻ ít nhiều đã bị lãng quên ở hiện tại, nay được kiến trúc sư thể hiện, kết hợp trong một không gian vừa cổ kính, vừa hiện đại của một công trình kiến trúc Pháp cổ như khơi gợi sự thích thú vui chơi và tìm tòi của thế hệ trẻ, từ đó liên kết với công trình kiến trúc và kho tàng di sản đồ sộ về lịch sử, văn hóa dân tộc đang được lưu giữ, bảo tồn bên trong BTLSQG.
Học sinh hào hứng tham gia trò chơi “Rồng rắn lên mây” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Sau đó, các em được “rồng rắn” tham quan Triển lãm sắp đặt “Tỷ lệ có phải là vấn đề?” với các mô hình kiến trúc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được thể hiện bằng các chất liệu và tỷ lệ khác nhau (từ tỷ lệ 1:20000 tới 1:75). Trong không gian BTLSQG, các em học sinh không chỉ được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc thực tế; được nghe giới thiệu, kể chuyện về lịch sử và kiến trúc Bảo tàng; mà còn có thể nhìn ngắm và khám phá công trình từ nhiều góc độ khác nhau, được tự tay sắp xếp mô hình kiến trúc BTLSQG bằng gỗ thông với tỷ lệ 1:300, để từ đó, các em có thể hình dung được cấu tạo và phong cách kiến trúc của Bảo tàng mà các kiến trúc sư người Pháp đã thiết kế và xây dựng cách đây gần 100 năm.
Học sinh tham quan, khám phá kiến trúc Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Học sinh “rồng rắn” đi khám phá các mô hình kiến trúc BTLSQG
Học sinh trải nghiệm “Xếp mô hình kiến trúc BTLSQG”
Rời BTLSQG, các em tiếp tục di chuyển đến Nhà Hát Lớn để tìm hiểu về một công trình kiến trúc nghệ thuật cũng được người Pháp xây dựng từ năm 1901. Các em được cùng nhau nhìn ngắm, khám phá vẻ đẹp cổ điển hiện rõ qua từng đường nét và kiến trúc của tòa nhà - một công trình kiến trúc Pháp được thiết kế theo phong cách kiến trúc cổ điển Châu Âu (thời Phục hưng) và mô hình kiến trúc Nhà hát Opera Paris của Pháp. Ngoài phần chia sẻ, giới thiệu về lịch sử và kiến trúc BTLSQG, các em học sinh được cùng nhau tham gia hoạt động “mảnh ghép kiến trúc” để tìm hiểu, nhận diện biểu tượng kiến trúc của Nhà Hát Lớn Hà Nội.
Học sinh tham gia trải nghiệm “Mảnh ghép kiến trúc” tại Nhà Hát Lớn Hà Nội
Tham gia hoạt động “mảnh ghép kiến trúc”, các em được hóa thân các “kiến trúc sư” để cùng nhau hoàn thiện mảnh ghép biểu tượng của Nhà Hát Lớn (đã được cắt làm nhiều mảnh, đội nào ghép nhanh hơn, giải mã bí ẩn đúng là đội thắng cuộc và nhận được quà tặng của chương trình). Chỉ trong một thời gian ngắn, các mảnh ghép đã được các “kiến trúc sư nhí” sắp xếp thành bức tranh “Sư tử có cánh” hoàn chỉnh. Sư tử có cánh được sáng tạo giữa hình tượng sư tử và kỳ lân, kết hợp cùng đôi cánh dang rộng; là biểu tượng cho các công trình nghệ thuật/ sáng tạo nghệ thuật. Sau đó, các em đua nhau đi tìm, nhận diện biểu tượng “Sư tử có cánh” được trang trí ở đâu trên công trình kiến trúc này.
Câu chuyện về Quảng trường Cách mạng tháng Tám, tuyến phố Tràng Tiền, Khách sạn Metrople và vườn hoa Diên Hồng cũng được cán bộ giáo dục BTLSQG chia sẻ trong hành trình các em “bộ hành” đến Di tích Bắc Bộ Phủ_một công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu theo phong cách Tân cổ điển. Đây là lần đầu tiên, Bắc Bộ Phủ mở cửa phục vụ công chúng trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Chính vì vậy, các em học sinh trong chương trình giáo dục trải nghiệm “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” vô cùng háo hức và hào hứng khi có cơ hội vào tham quan, khám phá và tìm hiểu về lịch sử của công trình.
Học sinh tìm hiểu về cụm di tích Vườn hoa Diên Hồng, Bắc Bộ Phủ
Tại Bắc Bộ Phủ, các em được tìm hiểu về lịch sử xây dựng, tên gọi, chức năng, đặc trưng kiến trúc của công trình và câu chuyện Bác Hồ với Bắc Bộ Phủ: Đây là công trình được người Pháp xây dựng vào năm 1918, từng được gọi là Phủ thống sứ Bắc Kỳ; Phủ khâm sai Bắc Kỳ, sau đó đổi thành Bắc Bộ Phủ và nay là Nhà khách Chính phủ. Công trình này đã chứng kiến nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, và là nơi gắn liền với quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ sau Cách mạng Tháng 8/1945 đến tháng 12/1946. Đặc biệt, các em học sinh vô cùng thích thú khi được đi tham quan, tìm hiểu từng căn phòng, từng vết đạn còn in dấu trên hàng rào của Bắc Bộ Phủ…
Học sinh tham quan, tìm hiểu chủ đề Bác Hồ với Bắc Bộ Phủ
Phần cuối chương trình, các em học sinh cùng nhau hòa mình vào triển lãm “Hiện” tại không gian sân vườn Bắc Bộ Phủ để khám phá các hình thức nghệ thuật dân gian truyền thống và cuộc sống thường nhật của người dân thủ đô qua những nét chấm phá tài tình của các họa sĩ.
Học sinh và phụ huynh tham quan triển lãm “Hiện” tại Bắc Bộ Phủ
Với những trải nghiệm và khám phá thú vị, chương trình giáo dục, trải nghiệm với chủ đề “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” đã phần nào giúp các em học sinh hiểu hơn về dấu ấn kiến trúc Pháp và giá trị của những công trình di sản giữa lòng thủ đô; có thêm những góc nhìn sáng tạo trên cơ sở kết nối di sản, lịch sử, nghệ thuật và thiên nhiên. Từ đó, các em có thể nuôi dưỡng những ước mơ, những hoài bão để có thể góp sức xây dựng Thủ đô Hà Nội - Đổi mới và sáng tạo trong tương lai.
Học sinh chụp ảnh lưu niệm chương trình tại Bắc Bộ Phủ
Đây là chương trình giáo dục trải nghiệm đặc biệt, được BTLSQG nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện để hưởng ứng, lan tỏa và phát huy giá trị của các công trình di sản trong Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các em học sinh và phụ huynh tham gia chương trình. Hy vọng rằng, với sự chủ động đổi mới, sáng tạo và đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm dành cho học sinh, các chương trình, giáo dục, trải nghiệm của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã, đang và sẽ là những “cầu nối hiệu quả” đưa bảo tàng đến gần công chúng, đưa công chúng đến gần hơn với di sản và góp phần hiệu quả trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc tới đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ học đường./.
Lê Liên