Thứ Năm, 05/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

Được đánh giá là một cuộc “cách mạng” với nhiều biến đổi sâu sắc về kinh tế, văn hoá, xã hội như: kỹ thuật chế tác đá phát triển đến đỉnh cao, đặc biệt là sự phát triển của kỹ thuật mài công cụ; đồ gốm phong phú về số lượng, kiểu dáng và loại hình; nghề thủ công xuất hiện; giao lưu trao đổi được mở rộng; nền nông nghiệp sơ khai kết hợp với săn bắt, đánh cá và hái lượm; các tập tục mai táng, tín ngưỡng phong phú và đa dạng…đã phản ánh một bước tiến lớn trong cuộc sống của cư dân thời kỳ này.

Văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn

Hầu hết các di tích thuộc văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn phân bố chủ yếu trong các hang động đá vôi; một số di tích phân bố ngoài trời, thềm sông. Đặc trưng tiêu biểu là các công cụ được chế tác từ đá cuội với kỹ thuật ghè đẽo một mặt, hai mặt, mài lưỡi; loại hình công cụ gồm: rìu ngắn, công cụ hình đĩa, hình hạnh nhân, hình tam giác, hình ô van (văn hóa Hòa Bình); cuốc, dấu Bắc Sơn (văn hóa Bắc Sơn)... Công cụ xương, sừng và vỏ trai có số lượng ít...; đồ gốm chưa nhiều; các loại hình mộ táng, di tích bếp lửa, di cốt người, xương răng động vật, vỏ nhuyễn thể, vỏ thảo mộc... được phát hiện khá phong phú

Văn hóa Đa Bút, Quỳnh Văn

Đây là những văn hóa có vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển của thời đại Đá mới Việt Nam, phân bố ở vùng đồng bằng ven biển Thanh Hóa, Nghệ An. Công cụ được chế tác từ đá gốc, đá cuội, cuội biển với kỹ thuật ghè đẽo thô sơ, hoặc mài lưỡi để tạo ra các loại hình công cụ như: rìu mài lưỡi, công cụ hình bàn là, rìu ghè đẽo...

Các văn hóa Hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí

Được phân bố rộng trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước từ miền núi, trung du, đồng bằng đến miền ven biển, hải đảo... Với sự phát triển mạnh mẽ của kĩ thuật chế tác đá và đồ gốm, cư dân Hậu kỳ Đá mới đã có một bước tiến trong việc cải thiện cuộc sống của mình. Họ bắt đầu định cư trong các xóm làng, nhiều bộ lạc đã lấy nông nghiệp trồng lúa làm hoạt động kinh tế chủ yếu kết hợp với săn bắn, đánh cá và hái lượm.... Nhiều ngành nghề thủ công đã ra đời và phát triển, giao lưu trao đổi được mở rộng, các tập tục mai táng, tín ngưỡng phong phú và đa dạng... Sự phát triển kỹ thuật chế tác đá, làm gốm, phát triển nông nghiệp sơ khai, cuộc sống định cư... làm nền tảng cho sự hình thành nhà nước sớm ở Việt Nam.

Hiện vật- tư liệu