Thứ Hai, 09/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

Tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2-9-1945.

Bức tượng được ông Nguyễn Dực trao tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (Nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) năm 2010. Ông Nguyễn Dực là người được giao nhiệm vụ chuẩn bị loa, điện, lắp đặt hệ thống âm thanh trên lễ đài phục vụ Lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945. Bức tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập do nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo sáng tác.

Bản nhạc “Tiến quân ca” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944. Hiến pháp năm 1946 đã quyết định lấy “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam DCCH (nước CHXNCH Việt Nam hiện nay). Bản nhạc này được Nhạc sĩ Văn Cao tự tay chép lại vào tháng 12-1994 tại nhà ông - một ngôi nhà nhỏ trên phố Yết Kiêu, Hà Nội để tặng cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

Đèn tọa đăng, Kỳ bộ Bắc kỳ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (VNCMTN) sử dụng trong cuộc họp ở Từ Sơn, Bắc Ninh, tháng 9-1928.

Kỳ bộ đã quyết định chủ trương “Vô sản hóa” đưa hội viên Hội VNCMTN là trí thức, tiểu tư sản vào làm công nhân tại các nhà máy, hầm mỏ để qua đó tuyên truyền giác ngộ, tổ chức và lãnh đạo công nhân đấu tranh tiến tới làm cách mạng, giải phóng dân tộc. Đèn cao 33cm, bầu chứa dầu bằng thủy tinh, đường kính 15cm, chân đế bằng kim loại.

Tranh “Ba tầng áp bức”

Tranh hiện đang trưng bày có kích thước 50cm x 100cm do họa sĩ Duy Nhất - tức Lê Năng Hiển vẽ lại năm 1966 từ bức tranh gốc vẽ bằng thuốc nước, có kích thước 67cm x 109cm do chính họa sĩ sáng tác năm 1958. Thuộc thể loại biếm họa, bức tranh đã tái hiện đời sống của người dân Việt Nam dưới 3 tầng áp bức, bóc lột: thực dân Pháp, vua quan triều đình nhà Nguyễn và cường hào địa chủ ở nông thôn thời thuộc Pháp.

Bàn đá và rulô, dùng để in báo Việt Nam Độc Lập và các tài liệu khác của Đảng Cộng sản Đông Dương, năm 1941-1942.

Áo vét tông, đồng chí Võ Nguyên Giáp mặc trong Lễ thành lập Đội Xung phong Nam tiến năm 1942 và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân, năm 1944.

La bàn, đồng chí Võ Nguyên Giáp dùng trong những năm 1944-1945.

Đề án Nghị quyết của Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), tháng 8-1945.

Cờ đỏ sao vàng treo tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, tháng 8-1945.

Đại hội quyết nghị lấy cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập. Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa I ngày 2-3-1946 đã biểu quyết nhất trí cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) và được xác định trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam DCCH năm 1946. Lá cờ đỏ sao vàng tiếp tục được sử dụng làm quốc kỳ của chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho đến ngày nay.

Máy chém, thực dân Pháp đặt tại nhà tù Hòa Lò (Hà Nội) dùng để xử tử nhiều người Việt Nam yêu nước thời kỳ trước năm 1945.

Đây là một trong những chiếc máy chém Thực dân Pháp đưa sang Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 để đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Với đặc điểm cấu tạo có thể dễ dàng tháo rời từng chi tiết, máy chém được chuyển đi nhiều nơi để thi hành án. Năm 1930, nhà yêu nước Nguyễn Thái Học cùng các chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng bị xử chém tại Yên Bái; năm 1932 đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị xử chém tại Hải Phòng.