Sáng ngày 19/5/2013, tại số 1, Tràng Tiền, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức buổi tọa đàm dành cho sinh viên với chủ đề “Bác Hồ với tầng lớp trí thức trẻ trong phong trào giải phóng dân tộc”. Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2013).
Cuối năm 1920, tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp tại Tour (Paris, Pháp), Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) chính thức đến đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tán thành Quốc tế thứ ba, trở thành một trong những nhà sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Lựa chọn và đi theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đặt cách mạng giải phóng dân tộc trong quỹ đạo cách mạng vô sản, coi đó là đường lối cứu nước đúng đắn đưa sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam đi đến thành công.
Trong điều kiện chưa thể trở về nước, Người quyết định ở nước ngoài để tập hợp lực lượng cho sự nghiệp vĩ đại đó. Lực lượng chủ yếu mà Người dựa vào là thanh niên, đặc biệt tầng lớp thanh niên trí thức. Từ Paris, qua Mátxcơva, đặc biệt khi về tới Quảng Châu (Trung Quốc), gần biên giới Việt Nam, Người đã thành lập một tổ chức cách mạng theo khuynh hướng cộng sản mang tên Hội Việt Nam cách mạng Thanh Niên, trong đó tập hợp một lực lượng trí thức trẻ tuổi để cùng với Người đưa chủ nghĩ Mác-Lênin về Việt Nam, từ đó tổ chức một Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc ở trong nước. Người đã thu hút, tập hợp, giác ngộ họ, đào tạo họ và cuối cùng giao cho họ những trọng trách nặng nề trong tổ chức cách mạng đó. Với vai trò nòng cốt trong phong trào cách mạng, lớp thanh niên ưu tú khi đó mới ngoài 20 tuổi mà sau này đều trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẩn... cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để đi tới thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945- nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Giành được chính quyền đã khó, nhưng giữ được chính quyền còn khó hơn trong điều kiện một Nhà nước non trẻ bị nhiều lực lượng thù địch bao vây, phong tỏa, hòng âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Trong chuyến thăm nước Pháp giữa năm 1946, Người đã thu hút một đội ngũ trí thức trẻ tuổi từ Pháp về cùng góp sức với Chính phủ xây dựng đất nước, trong số đó có những nhân vật nổi tiếng như Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân, Võ Đình Quỳnh,... Nếu không phải Hồ Chí Minh thì có lẽ khó có ai tập hợp được nhiều trí thức, nhân tài hợp sức, hợp lòng cùng làm việc, lao động, cống hiến vì một nước Việt Nam độc lập, tự do.
Thông qua buổi tọa đàm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn các bạn sinh viên, giới trí thức trẻ hiện nay, hiểu rõ hơn những nhận thức, đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầng lớp trí thức Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và giữ vững chính quyền cách mạng ngay từ những ngày đầu thành lập. Với vai trò lãnh đạo, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn trọng dụng tầng lớp trí thức ưu tú của dân tộc, tạo điều kiện cho họ được cống hiến, được thể hiện đầy đủ nhất tài năng, vai trò và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp chung của toàn dân tộc.
Buổi tọa đàm “Bác Hồ với tầng lớp trí thức trẻ trong phong trào giải phóng dân tộc” là hoạt động sinh hoạt khoa học thường niên được BTLSQG tổ chức hàng tháng nhằm tạo một sân chơi văn hóa cho thế hệ trẻ, nhất là sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Đây là diễn đàn giúp các em tìm hiểu, khám phá tri thức về lịch sử, văn hóa, từ đó tăng thêm tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trân trọng cảm ơn đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí đã quan tâm và tới dự!
Để phục vụ cho công tác lưu trữ thông tin, Bảo tàng Lịch sử quốc gia rất mong các đồng chí phóng viên vui lòng gửi lại bài viết đã đăng trên báo theo địa chỉ:
Dương Thị Tuyết Thanh
Phòng Truyền thông, Bảo tàng Lịch sử quốc gia
ĐT: 0923576899; (84.4) 38253518