Ngày 2.11, UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 58 - năm 2023: Những phát hiện mới về khảo cổ học. Đây là Hội thảo khoa học thường niên, có quy mô cấp quốc gia, quốc tế của ngành khảo cổ học Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nam.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Minh phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo năm nay có sự tham gia của gần 1.000 đại biểu gồm các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu từ Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Pari, Trưởng Đại diện Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội, Thành viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Ban Quản lý di tích trọng điểm của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Hội thảo là hoạt động khoa học hằng năm của ngành Khảo cổ học Việt Nam, sự kiện nổi bật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Viện Khảo cổ học gần 60 năm qua. Đây là diễn đàn để giới nghiên cứu khảo cổ học và nhiều ngành khoa học có liên quan gặp gỡ, trao đổi thông tin về những phát hiện mới, tranh luận học thuật, mở ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; là cơ hội lớn để các cán bộ trẻ tiếp cận học hỏi các thế hệ đi trước nhằm hoàn thiện năng lực khoa học của mình. Hội thảo nhằm thông báo, thảo luận, biên tập, xuất bản “Những phát hiện nghiên cứu mới về khảo cổ học Việt Nam năm 2023”. Đây còn là cơ hội để các cơ quan quản lý, nghiên cứu của ngành Lịch sử, Văn hóa từ Trung ương tới địa phương, các cộng tác viên trên toàn quốc có dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, hướng tới các chương trình hợp tác, góp phần nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa dân tộc.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Minh cho biết: Kể từ Hội thảo “Những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc lần thứ 57 năm 2022” đến nay, Viện Khảo cổ học và giới khảo cổ học nước nhà đã tiến hành nhiều hoạt động khảo cổ học sôi động trên địa bàn cả nước. Trong đó, có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như: Điều tra, thăm dò, khai quật nghiên cứu hệ thống di tích hang động văn hóa Hòa Bình trên địa bàn tỉnh Hà Nam; các hoạt động khai quật một số di tích thời đại Đá ở tỉnh Bắc Kạn, Hòa Bình, Đắk Nông; khai quật các di tích giai đoạn Tiền Đông Sơn ở thành phố Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang; Khảo cổ học Lịch sử tiếp tục có nhiều cuộc khai quật quy mô lớn ở Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế... Khảo cổ học Chămpa - Óc Eo có một số cuộc khai quật đáng chú ý ở Quảng Nam, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang… Khảo cổ học dưới nước cũng có một số hoạt động khảo sát đáng chú ý ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam, Khánh Hòa…
Các chuyên gia khảo sát tại quần thể danh thắng Tam Chúc (huyện Kim Bảng, Hà Nam)
Đặc biệt tại vùng lõi quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc đã phát hiện 11 hang động, mái đá rất có giá trị về khảo cổ thuộc nền văn hóa Hòa Bình; Cồn Hến 1, Cồn Hến 2 thuộc văn hóa Đông Sơn và các hang động, mái đá, giếng Cacxto rất có giá trị về cảnh quan thiên nhiên, liên quan sự hình thành, kiến tạo địa chất hàng triệu năm. Những phát hiện trên rất quan trọng, được xem là chìa khóa cho công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, từng bước giải mã những bí ẩn về lịch sử văn hóa vùng đất Tam Chúc-Kim Bảng nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung trong diễn trình lịch sử dân tộc.
Các phát hiện và kết quả nghiên cứu di tích, di vật và khảo cổ học góp phần khẳng định các giá trị của nền văn hóa/văn minh/văn hiến của dân tộc; cung cấp luận cứ khoa học và tư vấn chính sách cho việc xây dựng quy hoạch bảo vệ di sản, đánh giá giá trị và đề xuất ý kiến bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích và các nguồn tài nguyên văn hóa Việt Nam còn ẩn dưới lòng đất…
Phát hiện nhiều khảo cổ học giá trị tại danh thắng Tam Chúc
Hội thảo đã nhận được 456 bài báo cáo, thông báo đề cập đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học, trong đó có 10 bài viết về hoạt động chung của các cơ quan nghiên cứu khảo cổ trung ương và địa phương; 75 bài Khảo cổ học tiền sử; 54 bài khảo cổ học Sơ sử và Nhà nước sớm; 253 bài khảo cổ học lịch sử; 49 bài khảo cổ học Champa-Óc Eo; 15 bài khảo cổ học dưới nước... Với số lượng các bài thông báo, báo cáo lớn nhất từ trước tới nay, cho thấy hoạt động khảo cổ học Việt Nam các năm 2022 - 2023 diễn ra sôi nổi, đều khắp trên toàn quốc và đạt hiệu quả cao. Nhiều thông báo (đặc biệt là các cuộc khai quật lớn) được thực hiện công phu, nghiêm túc có nội dung phong phú. Đó là những tư liệu vật thật mới nhằm đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản của Khảo cổ học Việt Nam, góp phần nhận thức rõ hơn diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam, quá trình phát triển con người Việt Nam.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đi sâu thảo luận những vấn đề liên đến từng di tích như: địa tầng, niên đại, chủ nhân, các quan quan hệ văn hóa, nhận diện giá trị lịch sử văn hóa; đặc biệt là những đóng góp của Khảo cổ học với bảo vệ, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
HOÀNG VŨ