Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa hề có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ đánh vào một tòa Thành cổ, có chu vi 2.080m, rộng chưa đầy 3km2, khiến đối phương có thể huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy.
Năm 1972, trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng, đã diễn ra một cuộc đọ sức vô cùng quyết liệt giữa ta và địch trong một chiến dịch dài ngày nhất, dài tới 304 ngày, kể từ khi mở màn chiến dịch (ngày 30-3-1972) đến ngày ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam (ngày 27-1-1973).
Chính trong chiến dịch phản kích mang tính hủy diệt đó của kẻ thù, Thành cổ Quảng Trị đã mở đầu trang sử vô cùng oanh liệt, hào hùng bằng cuộc chiến đấu cực kỳ gian khổ, hiểm nguy và dũng cảm qua 81 ngày đêm mùa hè rực lửa, rung chuyển cả nước và toàn cầu từ ngày 28-6-1972 đến ngày 16-9-1972.
Năm 1972 ta mở một cuộc tiến công chiến lược quy mô toàn miền Nam, phối hợp các mũi tiến công của bộ đội chủ lực trên 3 hướng: Trị Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ với các chiến dịch tổng hợp ở Khu 5 và Đồng bằng sông Cửu Long. Mặt trận Trị Thiên là hướng chiến lược quan trọng nhất. Bộ tư lệnh Mặt trận được thành lập: Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam là Tư lệnh; Trung tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy mặt trận; Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam được cử làm đại diện Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo hướng chiến lược quan trọng này.
Ngày 30-3-1972, ta tiến công địch ở Quảng Trị và Kon Tum. Ngày 1 tháng 4 năm 1972, miền Đông Nam Bộ, Khu 5 và Đồng bằng sông Cửu Long đồng loạt tiến công và nổi dậy. Ngày 31-3-1972, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi: “Chiến dịch lịch sử năm 1972 đã bắt đầu! Các đồng chí hãy nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến quyết thắng, tích cực, chủ động, kiên quyết, linh hoạt tiến công địch, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chiến đấu, quyết giành cho được những thắng lợi to lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch kính yêu…”.
Đợt 1 Quảng Trị, 11 giờ ngày 30-3-1972, Tư lệnh mặt trận Lê Trọng Tấn hạ lệnh: “Bão táp I”. 247 khẩu pháo các loại của bộ đội pháo binh mở màn chiến dịch, đồng loạt bắn vào 19 căn cứ trên tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch. Ngay từ loạt đạn đầu, pháo ta bắn trúng hầu hết các trận địa pháo, các sở chỉ huy địch ở điểm cao 241, Mai Lộc, Miếu Bái Sơn, Quán Ngang, Đông Hà, Cồn Tiên, Dốc Miếu… Sau cuộc bắn phá của pháo binh dài 36 tiếng đồng hồ với gần 8000 viên đạn pháo các loại, các lực lượng binh chủng hợp thành gồm bộ binh, xe tăng xuất phát tiến công, đột phá trên hướng chủ yếu ở phía tây và tây bắc Quảng Trị, kết hợp với mũi thọc sâu bao vây ở phía đông và mũi chia cắt chiến dịch ở phía Nam.
Sau 5 ngày chiến đấu, đến ngày 4-4-1972, bộ đội ta phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, diệt 4 căn cứ trung đoàn, 7 căn cứ tiểu đoàn trên đường số 9, bức hàng Trung đoàn 56, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 2 và Lữ đoàn 147, giải phóng hoàn toàn hai huyện Gio Linh, Cam Lộ. Trưa 4-4, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi điện tới Sở chỉ huy chiến dịch biểu dương quân và dân Quảng Trị đánh thắng trận đầu.

Bộ đội ta tấn công vào Quảng Trị (ảnh tư liệu)
Trước đòn tấn công mạnh của ta ở Quảng Trị, ngày 3-4, Nguyễn Văn Thiệu họp Hội đồng An ninh quốc gia, điều động gấp 5 trung đoàn, lữ đoàn, 3 thiết đoàn tăng-thiết giáp từ Sài Gòn, Đà Nẵng ra Quảng Trị. Địch điều chỉnh thế phòng ngự thành ba cụm Đông Hà, Ái Tử, La Vang-Quảng Trị, lực lượng chủ yếu tập trung ở Đông Hà.
Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định: “Địch đã tăng cường lực lượng nhưng chưa được củng cố, tinh thần hoang mang dao động, nếu ta đánh mạnh, đánh nhanh thì chúng sẽ tan vỡ”. 15 giờ ngày 8-4, pháo binh thực hành kế hoạch hỏa lực “Bão táp II”. 2.713 viên đạn pháo giáng xuống căn cứ địch ở Đông Hà, Ái Tử. 5 giờ sáng 9-4, Sư đoàn 304 tiến công cụm quân địch ở Ái Tử. Sư đoàn 324 đánh địch ở La Vang-Quảng Trị. Sư đoàn 308 được tăng cường Trung đoàn 48 (thay cho Trung đoàn 88 làm nhiệm vụ dự bị chiến dịch) và 2 đại đội xe tăng tiến công cụm quân địch ở Đông Hà-Lai Phước. Ngay từ tuyến tiếp giáp, địch chống trả quyết liệt. Quân ta đánh địch trong hành tiến, bị các trận địa có xe tăng địch giấu trong công sự ngăn chặn, 6 xe tăng T54 của ta bị bắn hỏng. Mũi tiến công của Sư đoàn 308 vào căn cứ Đông Hà buộc phải dừng lại. Phía tây Ái Tử, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) giành giật quyết liệt với địch mới chiếm được căn cứ Phượng Hoàng. Trên hướng đông, 3 tiểu đoàn bộ binh, đặc công vượt sông Cửa Việt bị pháo hạm Mỹ bắn chặn. Tại Cửa Việt, Trung đoàn 126 Hải quân chiếm được cảng nhưng cũng bị tổn thất. Thực tế chiến đấu cho thấy, lực lượng địch ở Đông Hà-Quảng Trị khá đông gồm sư đoàn 3 bộ binh (thiếu), 3 liên đoàn biệt động quân 1, 4, 5, Lữ đoàn 147 lính thủy đánh bộ, 3 thiết đoàn 11, 17 và 20 được không quân, pháo binh yểm trợ ở mức cao. Đặc biệt, không quân và hải quân Mỹ hoạt động mạnh, vừa yểm trợ cho quân ngụy ở Quảng Trị, vừa tăng cường đánh phá hậu phương chiến dịch. Máy bay B52 oanh tạc rải thảm, khu trục hạm Mỹ pháo kích ác liệt các trận địa ta và tuyến vận chuyển từ sông Gianh, Lệ Thủy (Quảng Bình) vào mặt trận.
Để đánh bại chiến thuật “xe tăng bầy”, ”vỏ thép cứng di dộng” và phá vỡ hệ thống phòng ngự đã được tăng cường của địch, ta cần phải có thời gian chuẩn bị, tìm ra cách đánh thích hợp. Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định tạm ngừng tiến công, kết thúc đợt 1, mở một đợt “đệm”, phát động phong trào “săn xe tăng địch”, tổ chức những trận đánh nhỏ, vừa tiêu hao sinh lực địch, vừa khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tiến công quyết định trong đợt 2 chiến dịch. 5 giờ sáng 27-4, ta mở đợt 2 chiến dịch, đợt quyết định chiến trường. Mục tiêu là tiêu diệt tập đoàn phòng ngự mạnh của địch ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang-Quảng Trị, hỗ trợ cho nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng nổi dậy, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, sau đó nắm thời cơ, phát triển tiến công địch ở Thừa Thiên.
Đợt 2 chiến dịch đã diễn ra trong 6 ngày đêm, mở đầu bằng đòn hỏa lực “Bão táp III”. Sư đoàn 308 được hỏa lực pháo binh chiến dịch chi viện, liên tục tiến công cụm quân địch ở Đông Hà-Lai Phước. Trong tiếng nổ của đạn pháo, xe tăng T54, pháo cao xạ 37, 57 trong đội hình binh chủng hợp thành của Sư đoàn yểm hộ bộ binh tiến công. 18 giờ ngày 28-4, thị xã Đông Hà được giải phóng. Ủy ban Quân quản được thành lập, do đồng chí Nguyễn Hiền, Phó chính ủy Sư đoàn làm Chủ tịch. Phía Ái Tử, Sư đoàn 304 được các cụm pháo Trung đoàn 45, 164, 38 chi viện, 21 giờ ngày 30-4, bộ binh, xe tăng Sư đoàn 304 tràn vào sân bay Ái Tử. 14 giờ ngày 1-5, quân ta hoàn toàn làm chủ căn cứ. Mất Đông Hà, Ái Tử, quân địch ở Quảng Trị-La Vang hoang mang rút chạy.

Bộ đội ta ngăn chặn địch vào Thành cổ Quảng Trị (ảnh tư liệu)
Hơn một trạm xe của địch tập trung ở La Vang Thượng. Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho Sư đoàn 324 (thiếu) cắt đường số 1, pháo binh chiến dịch tập trung hỏa lực bắn vào La Vang Thượng. Phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, nhân dân Quảng Trị nổi dậy giành lại chính quyền ở khắp các thôn xã, 18 giờ ngày 1-5-1972, tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Tuy nhiên, chiến sự trên mặt trận Quảng Trị diễn ra giằng co quyết liệt, quân và dân Quảng Trị còn phải đương đầu và vượt qua nhiều thử thách rất lớn suốt nửa cuối năm 1972.

Nụ cười chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (ảnh tư liệu)
Ngày 28-6-1972, được không quân, pháo hạm Mỹ chi viện, Mỹ-ngụy huy động hai sư đoàn dù và thủy quân lục chiến, một lực lượng lớn pháo binh, thiết giáp vượt sông Mỹ Chánh phản kích lên thị xã Quảng Trị. Cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã, giữ Thành cổ Quảng Trị kéo dài gần 3 tháng dưới bom đạn ác liệt của quân thù. Không có công sự trận địa nào không bị bom đạn pháo địch cày xới, băm nát hàng trăm lần. Thêm vào đó, mưa lũ đầu mùa đổ xuống công sự, chiến hào ngập nước, nhiều hầm hào bị sụt lở. Khó khăn là rất lớn. Các chiến sĩ dựa vào chiến hào, dựa vào tường Thành cổ giành giật với địch từng mô đất, từng mảng tường, từng đoạn chiến hào, có phân đội đã chiến đấu đến người cuối cùng. Lực lượng ta ở vòng trong thị xã, lúc đầu có Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B và hai tiểu đoàn bộ đội địa phương. Khi cao điểm, có thêm Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 và Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 64. Chỉ huy sở của Mặt trận thị xã đặt tại hầm trong dinh Tỉnh trưởng ngụy, bên bờ sông Thạch Hãn. Lực lượng vòng ngoài có Sư đoàn 320B ở cánh Đông, Sư 308 ở cánh Nam, cùng các đơn vị xe tăng, pháo cao xạ và lực lượng du kích các xã phụ cận. Các chốt quan trọng như: Long Quang, nhà thờ Trí Bưu, ngã ba Long Hưng, trường Bồ Đề, ngã ba Cầu Ga… là những nơi, quân ta bất chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, hy sinh, kiên quyết đập tan các đợt phản kích của địch. Đặc biệt, trong Thành cổ Quảng Trị, là tiêu điểm ác liệt nhất và cũng là nơi thể hiện tinh thần chiến đấu phi thường, huyền thoại, cực kỳ dũng cảm, hy sinh của quân dân ta. Tại đây, trung bình, một chiến sĩ phải hứng chịu hơn 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Có ngày như ngày 25-7-1972, kẻ thù bắn vào Thành Cổ 5.000 quả đạn. Bốn dãy tường thành ở bốn phía đông, tây, nam, bắc, dày 12m, đều bị vỡ dần; đến một viên gạch nơi đây cũng không còn nguyên vẹn.

Những cựu chiến binh giữ Thành cổ Quảng Trị năm xưa về thắp hương tưởng niệm đồng đội đã hy sinh (ảnh tư liệu)
Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra như một huyền thoại. Và cách đánh địch nhiều khi cũng vượt ra khỏi những quy ước thông thường: Súng cối 60mm, được các chiến sĩ kẹp nách, bắn ứng dụng liên tục mấy chục quả một lần; lựu đạn sau khi rút chốt, phải tính toán sao cho khi nó vừa bay tới mục tiêu là nổ. Có lúc, chiến sĩ bò sát miệng hầm của địch rồi mới tung lựu đạn vào. Trong một trận đánh, có chiến sĩ bắn tới 14 quả đạn B40, diệt 32 tên địch. Tại mặt trận, nhiều chiến sĩ bị thương một, hai, thậm chí ba lần, vẫn chiến đấu, không chịu về tuyến sau. Các chiến sĩ bộ binh, công binh, quân y, thông tin, đều cầm súng đánh địch. Bằng tính kỷ luật tuyệt vời, tinh thần dũng cảm, ý chí ngoan cường và sự hy sinh vô bờ, ai nấy kiên quyết giữ vững trận địa trong suốt 81 ngày đêm. Đó là 81 ngày đêm lịch sử bi tráng, ác liệt, hào hùng, đầy hy sinh và mãi mãi bất tử. Các đơn vị bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị đã giữ vững trận địa 81 ngày đêm, nêu một tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiềm giữ một bộ phận lực lượng cơ động chiến lược của địch, tạo điều kiện cho đấu tranh ngoại giao và các mặt trận khác đẩy mạnh tiến công. Ngày 22-9-1972, dưới sự chi viện của không quân và pháo hạm Mỹ, quân ngụy mở một cuộc hành quân lớn nữa hòng chiếm lại toàn bộ vùng giải phóng Quảng Trị. Dựa vào hệ thống phòng ngự trận địa, quân và dân Quảng Trị đã đánh lui các đợt tiến công của địch, giữ vững vùng giải phóng Quảng Trị.
Nhớ lại những ngày ấy, các chiến sĩ không thể quên sự giúp đỡ tận tình, có hiệu quả và tình cảm chân thành của nhân dân cũng như du kích bốn thôn: Nhĩ Hạ, Vĩnh Quang, Mai Xá, Lâm Xuân… Những chiếc thuyền đánh cá, đầu máy xe tải nhỏ, máy bơm nước, máy xay xát thóc gạo, các thùng nhiên liệu chạy máy đều là tài sản lớn mà bà con chắt chiu, dành dụm trong nhiều năm để làm ăn sinh sống. Nhưng khi bộ đội xin trưng dụng thì ai cũng sẵn sàng ủng hộ: “Mấy chú từ miền Bắc vô đây chẳng tiếc máu xương để giải phóng cho bà con, thì tụi tôi tiếc chi các thứ đó…”.Thôn Nhĩ Hạ có o Hồng, du kích, mới 17 tuổi, mặt tròn, da trắng, mắt bồ câu. Hồng đang dẫn đường cho bộ đội thì bị pháo địch bắn dữ dội. Một số chiến sĩ mới vào chiến trường, chưa quen trận mạc nên hốt hoảng, lúng túng. Giữa lúc ấy, o bình tĩnh hướng dẫn anh em xuống trú ẩn vào các hố bom vừa nổ, bảo toàn lực lượng.
Cuộc chiến đấu anh hùng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, kết thúc bằng thất bại của một đội quân xâm lược đông hơn 5 vạn tên, với vũ khí, bom đạn hiện đại, một lần nữa làm sáng ngời chân lý: Kẻ thù dù có vũ khí tối tân đến đâu cũng phải khuất phục trước những con người có ý chí kiên cường, một lòng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đúng như cố Tổng bí thư Lê Duẩn tôn vinh về cuộc chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị: “Chúng ta đã chịu được không phải chúng ta là gang thép; vì gang thép cũng chảy với bom đạn địch; mà chúng ta là những con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống hàng nghìn năm, đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.Thành cổ cùng với thị xã Quảng Trị đã được Nhà nước ta tuyên dương danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Làm nên những chiến công vang dội đó, nơi đây đã thấm đẫm máu của 18 nghìn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Quảng Trị và cả nước. Dưới lớp cỏ non Thành cổ, ngã ba Long Hưng, được gọi là “ngã ba bom”, “ngã ba lửa”, dòng sông Thạch Hãn… bao nhiêu người con yêu nước đã mãi mãi nằm lại. Đời đời, người luônViệt Nam vẫn luôn tưởng nhớ một thời máu lửa, một thời oanh liệt, hào hùng mà cha anh đã làm tất cả để đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại cuộc sống hòa bình, tươi đẹp ngày hôm nay.
Minh Vượng (tổng hợp)
(Theo hồi ức của Trung tướng Phạm Hồng Cư- nguyên Phó Chủ nhiệm Tồng cục Chính trị QĐNDVN- Phái viên Tổng cục Chính trị tại chiến dịch Đường 9 Nam Lào 1971, Quảng Trị 1972)