Nhân dịp Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2024), Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Trung tâm Tiếng Anh Bing Go Leaders (Hệ thống Anh ngữ trẻ em tại Hà Nội) tổ chức chương trình giáo dục trải nghiệm kết hợp thực hành ngôn ngữ dành cho gần 100 học sinh từ lứa tuổi mầm non đến Tiểu học và Trung học cơ sở.
Nội dung chương trình giáo dục trải nghiệm Kết nối di sản qua thực hành ngôn ngữ được cán bộ giáo dục của BTLSQG phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện với mục tiêu kết hợp giữa thực hành ngôn ngữ, khám phá lịch sử, di sản văn hóa và phát triển trí tuệ, thể chất… mang đến cho các em học sinh những trải nghiệm vô cùng bổ ích và lý thú. Tham gia chương trình, các em không chỉ hiểu hơn về lịch sử, văn hóa dân tộc mà còn được rèn luyện, thực hành các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, sáng tạo và giao tiếp tiếng Anh trong môi trường bảo tàng.
Học sinh hào hứng tham gia chương trình
Học sinh say sưa trải nghiệm
Mở đầu chương trình, các em học sinh được chia thành 3 nhóm theo từng độ tuổi và sở thích để tham gia các hoạt động phù hợp, từ đó cùng cán bộ giáo dục của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tham quan trưng bày bảo tàng với chủ đề “Khám phá Lịch sử Việt Nam từ thời kỳ Tiền sử đến trận chiến Bạch Đằng năm 938”. Ở hoạt động này, các em không chỉ được nghe kể chuyện lịch sử và hiện vật, chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia, mô hình trận chiến và cọc gỗ Bạch Đằng một cách trực quan, sinh động mà còn tham gia các trò chơi thú vị theo hình thức “học mà chơi, chơi mà học” như: “Truy tìm Báu vật” (dành cho học sinh Tiểu học và THCS), hay “Giải mã hoa văn trống đồng Ngọc Lũ” (dành cho học sinh mầm non). Đặc biệt, các trò chơi được thiết kế bằng tiếng Anh để giúp các em vừa rèn luyện khả năng ngoại ngữ vừa hiểu sâu hơn về các giá trị, ý nghĩa của hiện vật, bảo vật và hoa văn trang trí trên các hiện vật đó.
Học sinh tham quan trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Học sinh tham gia trò chơi Giải mã hoa văn trống đồng bằng tiếng Anh
Sau phần tham quan, các em tiếp tục hòa mình vào không khí vui tươi, sôi động với các trò chơi lịch sử kết hợp truyền thống như: Vận chuyển dưa hấu, bịt mắt đánh trống, ô ăn quan... cùng những hoạt động sáng tạo như “Em tập làm họa sĩ” với việc tô màu các sản phẩm gốm hay hóa thân thành “nghệ nhân” gốm nhí, tự tay nặn gốm và tạo hình từ đất sét.
Học sinh tham gia trò chơi Vận chuyển dưa hấu
Học sinh tham gia trò chơi dân gian “Bịt mắt đánh trống”
Học sinh tham gia trải nghiệm “Em tập làm gốm”
Học sinh tham gia trải nghiệm “Em tập làm họa sĩ”
Ở phần cuối chương trình, các em được chia nhóm thực hành nói tiếng Anh bằng cách giới thiệu về các hiện vật trong bảo tàng hoặc chia sẻ những trải nghiệm thú vị vừa qua với bạn bè, thầy cô và du khách quốc tế. Việc kết hợp giữa hoạt động tham quan, trải nghiệm và thực hành tiếng anh theo hình thức này đã phần nào giúp các em trau dồi ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp và quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Đây là một cách học thú vị, gần gũi và hiệu quả, để mỗi học sinh thêm tự hào và ý thức trách nhiệm với di sản văn hóa dân tộc.
Cô - trò cùng trao đổi, thực hành tiếng Anh tại BTLSQG
Học sinh chụp ảnh lưu niệm chương trình tại BTLSQG
Chương trình giáo dục, trải nghiệm Kết nối di sản qua thực hành ngôn ngữ đã khép lại nhưng đã để lại trong lòng cô và trò Trung tâm Bing Go Leaders những ấn tượng tốt đẹp về một chương trình, một hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa thiết thực, bổ ích và lý thú trong việc đưa lịch sử đến gần với các em hơn, hình thức này mang đến lợi ích thiết thực: vừa học ngoại ngữ, vừa có kiến thức lịch sử và các kỹ năng, lĩnh vực khác tạo nên hiệu quả giáo dục toàn diện hơn./.
Lê Liên